Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản, tính đến hết năm 2012, tổng biên chế cán bộ, công chức (CBCC) từ Trung ương đến cấp huyện ở nước ta là 388.480 biên chế (không bao gồm viên chức và biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là khối hành chính nhà nước với 274.694 biên chế (tương đương 70,7%); tổng biên chế CBCC cấp xã là 257.675 biên chế.
Kết quả 5 năm thực hiện tinh giản biên chế các cơ quan Trung ương và 61/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (trừ một số bộ và 2 tỉnh còn lại chưa có số liệu) cho thấy, tổng số đối tượng hưởng chính sách tinh giản biên chế là 67.398 người với tổng kinh phí gần 3.200 tỉ đồng, trong đó chiếm tới 90,53% các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi.
Trong các giải pháp ông Toản trình bày để thực hiện Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC thời gian tới, đáng chú ý là từ nay đến năm 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế CBCC trong các cơ quan tổ chức hành chính và số lượng viên chức trong các sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. “Trừ trường hợp lập thêm tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới”, ông Toản cho hay.
Đồng thời với giải pháp trên, quy định trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong việc chủ động tổ chức lao động hợp lý, phân định rõ người làm tốt và người làm chưa tốt, người không làm được việc để sắp xếp, bố trí CBCC, viên chức và giải quyết thôi việc.
Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện đề án này trong 7 năm, từ 1.1.2014 - 31.12.2020.
Bảo Cầm - Hoàng Thủy
>> Phản ánh cán bộ, công chức vi phạm qua đường dây nóng
>> Nâng cao hiệu quả “chấm điểm” cán bộ công chức
>> Dân “chấm điểm” cán bộ công chức
>> Sẵn sàng loại cán bộ, công chức yếu kém
Bình luận (0)