Không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/05/2022 18:43 GMT+7

Một trong những nội dung mới trong Quy định 65 về luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị là yêu cầu không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ. Trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định.

Không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 65 ngày 28.4.2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Quy định thay thế cho Quy định số 98 ngày 7.10.2017 về cùng nội dung.

Bộ Chính trị ban hành quy định mới về luân chuyển cán bộ thay cho quy định ban hành từ năm 2017

nhật bắc

Về cơ bản, nội dung của Quy định 65 không khác nhiều so với quy định 98 được Bộ Chính trị ban hành 5 năm trước về nguyên tắc, mục đích, đối tượng, quy trình cho tới thời gian luân chuyển… Quy định 65 tiếp tục khẳng định, công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời yêu cầu giải quyết hài hoà giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ.

So với quy định cũ, Quy định 65 đã lược bỏ quy định “không điều động về T.Ư, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”.

Tuy nhiên, Quy định 65 cũng nêu rõ nguyên tắc: “Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển”.

Bên cạnh đó, Quy định 65 bổ sung thêm một nguyên tắc so với Quy định 98 là: "Không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ. Trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định".

Trong phần đối tượng, tương tự Quy định 98, Quy định 65 cũng nêu rõ, 2 đối tượng luân chuyển phải là “cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp” và “cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Về cán bộ luân chuyển thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, Quy định 65 cũng quy định rõ, gồm: Bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng VKSND và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện.

Giải thích mới về "người địa phương"

Việc giải thích khái niệm “người địa phương” cũng là điểm mới trong Quy định 65 vừa được Bộ Chính trị ban hành. Cụ thể, Quy định 65 giải thích: Người địa phương là người có quê quán ở địa phương đó (trừ trường hợp có quê quán ở địa phương đó nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương khác) hoặc là người có quê quán ở địa phương khác nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương đó.

Trong khi đó, Quy định 98 năm 2017 quy định: Người địa phương được hiểu là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó hoặc là người đã học tập, công tác từ 20 năm trở lên ở địa phương đó.

Quy định cũng nêu rõ, đối với cấp T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình đội ngũ cán bộ để tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định cán bộ T.Ư luân chuyển.

Đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc T.Ư, thì cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ quy định hiện hành, danh sách cán bộ trong quy hoạch, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và năng lực, sở trường của cán bộ để xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thời gian luân chuyển của Quy định 65 tương tự quy định cũ.

Chẳng hạn, tiêu chuẩn để luân chuyển là phải còn thời gian công tác ít nhất 10 năm tính từ thời điểm luân chuyển; thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 3 năm và quy trình luân chuyển gồm 5 bước.

Xem toàn văn Quy định 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ tại đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.