Tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo thảo luận về những nội dung lớn đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân vào chiều 26.8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học cần được nghiên cứu tiếp.
|
Ngay sau cuộc họp này, TS Trần Đình Châu, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục, thành viên Tổ giúp việc ủy ban đã trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh nội dung chính mà các thành viên đã thảo luận.
Bảo đảm tính ổn định, không gây xáo trộn
Dư luận đang rất quan tâm tới đề xuất của Ban Soạn thảo đề án đổi mới giáo dục phổ thông về thay đổi cơ cấu: tăng số năm học của cấp THCS lên 5 năm và rút số năm học THPT xuống còn 2. Vậy cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã họp bàn về vấn đề này ra sao?
|
Về tổng số năm học của giáo dục phổ thông thì trong kỳ họp mới đây, ngày 20.8 của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cũng như phiên họp này của Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD-ĐT đều thống nhất: giữ ổn định giáo dục phổ thông 12 năm, tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo và giáo dục hướng nghiệp từ cuối cấp THCS. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đã kết luận giữ ổn định cơ cấu giáo dục phổ thông như hiện nay để bảo đảm tính ổn định. Việc giữ ổn định cơ cấu giáo dục phổ thông như hiện hành không gây xáo trộn, thay đổi quá nhiều trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Trước đó, Bộ GD-ĐT qua tổng hợp các ý kiến của chuyên gia dự kiến thành 2 phương án về cơ cấu giáo dục phổ thông để xin ý kiến hội đồng và ủy ban cân nhắc, xem xét, chỉ đạo. Bên cạnh phương án giữ nguyên cơ cấu như hiện nay (5 năm tiểu học + 4 năm THCS + 3 năm THPT) thì có dự thảo thêm một phương án nữa là tăng số năm học của THCS lên thành 5 năm, nâng số năm học giáo dục cơ bản là 10 năm; cấp THPT sẽ chỉ còn 2 năm.
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận giữ nguyên cơ cấu, hệ thống giáo dục phổ thông ổn định như hiện nay: 12 năm với số năm của từng cấp học không thay đổi.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo: triển khai đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trên cơ sở kế thừa và phát huy những điểm tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà, không gây xáo trộn lớn trong hệ thống, trong đội ngũ, phù hợp với những quy định của luật Giáo dục hiện hành.
Chọn phương án 1 hoặc 2 cho một kỳ thi quốc gia
Vừa qua, khi đề án thi của ĐH Quốc gia Hà Nội công bố và một số phương tiện truyền thông cho rằng đây như là một phương án thứ tư (ngoài 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đã công bố) có thể được xem xét lựa chọn cho một kỳ thi quốc gia. Vậy đề án này có được Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT chấp thuận không, thưa ông?
Thủ tướng khuyến khích ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và có thể áp dụng thực hiện trong phạm vi của ĐH Quốc gia Hà Nội. Nếu làm tốt thì có thể mở rộng dần đối với một số trường ĐH khác.
Vậy trong cuộc họp của ủy ban, các thành viên có nghiêng về việc lựa chọn phương án nào trong 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đề xuất không?
Nhiều ý kiến cho rằng phương án 3 là mục tiêu cần đạt tới, cần có thời gian thực hiện đổi mới phương thức dạy học cũng như cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong nhà trường. Do vậy, nhiều ý kiến phân tích cân nhắc nên lựa chọn theo phương án 1 hoặc 2. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và việc chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người học, nhân dân, xã hội hiểu và ủng hộ.
Tách riêng chương trình và sách giáo khoa
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã được bàn thảo ra sao tại cuộc họp này, thưa ông?
Góp ý về đổi mới chương trình và SGK, các thành viên hội đồng và ủy ban đều đồng tình với chủ trương tách riêng 2 khâu này. Từ đó, cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK; còn chương trình là căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.
Các thành viên của hội đồng và ủy ban cũng đều thống nhất chương trình và SGK ở giai đoạn giáo dục cơ bản gồm tiểu học và THCS sẽ định hướng tập trung giáo dục toàn diện, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đảm bảo học sinh có kiến thức phổ thông nền tảng, hình thành năng lực vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng và phát triển các năng lực cơ bản, tạo điều kiện tốt cho phân luồng sau THCS (học THPT, học nghề hoặc lao động phổ thông). Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện ở THPT, tăng cường dạy học phân hóa với nhiều môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn.
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường ĐH Sáng 26.8, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH công lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quyết tâm đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong giáo dục ĐH, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và đã đạt được những kết quả bước đầu, đáng mừng, đáng trân trọng. Những kết quả đạt được ở nhiều mức độ khác nhau như có trường tự chủ được tiền lương, chi phí thường xuyên, về đầu tư... Song so với yêu cầu, việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ĐH còn chậm. Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH từ tự chủ về tài chính đến xây dựng bộ máy, nhiệm vụ đào tạo, chương trình, cấp bằng... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, các trường ĐH tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để đưa ra thảo luận và thông qua trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2014. Dự thảo nghị quyết cần hết sức quan tâm đến vấn đề về bộ máy nhân sự, tuyển sinh, phân cấp đầu tư, mở chuyên ngành đào tạo, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học... Theo TTXVN |
Tuệ Nguyễn
(thực hiện)
Bình luận (0)