Nêu ý kiến thảo luận về dự thảo luật Đất đai sửa đổi tại tổ sáng 9.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là dự luật rất quan trọng.
Chính phủ mong muốn các đại biểu Quốc hội rà soát, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, từ thực tiễn công tác tại địa phương và các bộ, ngành, rà soát xem các vấn đề sửa đổi lần này, để góp phần tháo gỡ những vướng mắc đang xử lý trong thực tiễn hiện nay.
Theo Thủ tướng, việc sửa đổi luật Đất đai phải "bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", song không thể đòi hỏi một lần sửa đổi bao quát hết vướng mắc từ thực tiễn. Nguyên tắc sửa luật cố gắng làm sao giải quyết được các vướng mắc, bất cập đang phải xử lý trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai.
Đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, trong 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử.
"Phải có tính dự báo, có tầm nhìn để luật khi sửa đổi mang tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược hơn. Khi luật ban hành phải đáp ứng mong mỏi của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, với hơn 12 triệu lượt người dân tham gia góp ý chứng tỏ rất quan tâm tới luật Đất đai; đồng thời cũng cho thấy rất nhiều việc phải giải quyết.
Thủ tướng cũng kỳ vọng khi luật được thông qua sẽ góp phần rất quan trọng giải phóng nguồn lực từ đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân, nhà đầu tư. Nêu ý kiến cụ thể về các quy định sửa đổi trong luật, Thủ tướng đề nghị rà soát lại việc phân cấp, phân quyền.
"Phân cấp, phân quyền đang rất vướng. Ví dụ 10 ha lúa, 20 ha rừng lại phải lên đến Thủ tướng Chính phủ, qua nhiều bước mất rất nhiều thời gian, lãng phí nguồn lực và cơ hội. Phân cấp, phân quyền phải quy định trong luật thì Chính phủ mới làm được", Thủ tướng nêu. Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, kết hợp với tăng cường giám sát, kiểm tra.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, thực tiễn các tỉnh, thành phố đang đề nghị cơ chế đặc thù cũng đều xin được phân cấp, phân quyền, cho thấy đây là vấn đề thực sự vướng mắc cần giải quyết. Ủng hộ phân cấp, phân quyền, song theo Thủ tướng, thực tiễn phân cấp, phân quyền đến mức nào phải phù hợp với trình độ quản lý các cấp, địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 10 ha lúa, 20 ha rừng lại phải lên đến Thủ tướng Chính phủ
Không để người dân khó khăn khi nhường đất làm dự án
Trăn trở thứ hai của Thủ tướng là thủ tục hành chính. Theo ông, riêng lĩnh vực đất đai có rất nhiều thủ tục hành chính cần phải tháo gỡ, làm sao giảm được thủ tục hành chính, đi lại của người dân, để không mất chi phí, thời gian và mất luôn cả cơ hội. Giải pháp là rà soát lại thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đất đai, để thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp phải giảm đi.
Vấn đề thứ ba, theo Thủ tướng, là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất liên quan đến không gian ngầm. "Đất đai là một hằng số, làm sao để sử dụng hiệu quả không gian trên trời, mặt đất, không gian ngầm, liên quan cả không gian biển. Lấn biển như thế nào để đảm bảo môi trường cũng như phát triển của đất nước", Thủ tướng nêu, và cho rằng, cần đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ; đồng thời, có tầm nhìn phát triển bền vững lâu dài, sử dụng tiết kiệm đất.
Về các khu tái định cư, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề người dân quan tâm rất nhiều. "Quan điểm của Đảng rất rõ, khi thu hồi đất tái định cư, người nhường đất sau một quá trình canh tác, khai thác sử dụng chuyển đi nơi khác phải đảm bảo ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Phải cụ thể hóa, lượng hóa các tiêu chí thế nào là bằng hoặc hơn”, Thủ tướng nêu.
Đặc biệt, giá đất cũng là vấn đề rất được cử tri quan tâm. Định giá đất thế nào cho phù hợp với phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. "Luật đã quy định nhưng đây là vấn đề khó, vì thị trường luôn lên xuống, có can thiệp gì khi cần thiết không", Thủ tướng nhấn mạnh, và quán triệt tinh thần "không để người dân khó khăn khi phải nhường đất làm dự án".
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh phải nâng cao năng lực cán bộ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai có tính chất bao quát được và có thể tra cứu liên thông giữa các địa phương để tham khảo.
"Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, cơ quan soạn thảo sẽ tham mưu phối hợp Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý của nhân dân và các đại biểu để bộ luật rõ ràng. Đảm bảo những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, vừa phải làm sao dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra", Thủ tướng nói.
Những sự thay đổi lớn của dự thảo Luật Đất đai
Bình luận (0)