Không thể chấp nhận kiểu kinh doanh xăng dầu 'nhiễu loạn thị trường'

10/10/2022 05:56 GMT+7

Liên quan tình trạng nhiều cây xăng ở TP.HCM đồng loạt treo biển hết hàng, nghỉ bán những ngày qua, bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra; nếu phát hiện cây xăng, doanh nghiệp đầu mối nào cố tình găm hàng không bán tạo cơn sốt xăng dầu giả thì kiên quyết xử lý nghiêm.

Như Thanh Niên thông tin, trong những ngày qua xảy ra tình trạng nhiều cây xăng ở các quận huyện trên địa bàn TP.HCM treo biển hết hàng, tạm ngưng phục vụ. Cụ thể, sáng 8.10, nhân viên tại một số cửa hàng xăng dầu của Comeco, Tây Nam Petro, Đại Đông Dương Oil… khu vực các quận 6, 7, Bình Tân đều báo hết hàng hay hết xăng đang chờ nhập hàng… Tối 7.10, một số cây xăng của Saigon Petro tại TP.HCM cũng cho biết nguồn hàng lấy bán cuối tuần không có và sang tuần mới có. Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng tạm ngưng phục vụ lần này còn nghiêm trọng hơn hồi đầu năm.

“Trụ hư. Hết xăng. Xin thông cảm” là những thông báo được dán trên các trụ bơm ở nhiều cây xăng những ngày qua

Minh Đăng

Trong khi đó, giá xăng dầu nhập khẩu tham chiếu đến ngày 6.10 đã tăng trở lại. Xăng tăng khoảng 200 đồng/lít, dầu diesel tăng mạnh hơn 1.700 đồng/lít. Theo các thương nhân phân phối, giá thế giới tuần qua tăng hơn 10% khiến doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng về chậm, giảm lượng nhập về, gây tình trạng hụt hàng, đứt nguồn ngay vào ngày cuối tuần. Đặc biệt, đầu mối lớn cũng khóa sổ với các công ty đang mua hàng lâu nay của họ. Một số thương nhân phân phối dự báo giá tại kỳ điều chỉnh tới (11.10) với dầu diesel có thể tăng 1.900 - 2.200 đồng/lít, xăng tăng 200 đồng/lít.

XEM NHANH 20H ngày 1010: Lạ lùng cảnh vất vả mua xăng ở TP.HCM | Miền Tây chật vật vì triều cường

Kiểu kinh doanh “dị hợm”

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ bức xúc khi tình trạng “giá tăng thì xăng không thiếu mà giá giảm thì lại thiếu xăng” diễn ra liên tục thời gian qua, gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt đời sống của người dân. “Tại sao lúc xăng lên giá, các cây xăng lời khẳm thì không thấy ông nào than phiền lời quá, mà mới giảm chút xíu thì đủ chiêu trò bày ra. Mong cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra quyết liệt, phát hiện gian dối thì rút giấy phép kinh doanh mấy cây xăng, doanh nghiệp này”, BĐ Thanh Tuan bức xúc.

Cùng quan điểm, BĐ Quốc Trị ý kiến: “Giá tăng thì xăng không thiếu mà giá giảm thì lại kêu thiếu xăng. Lúc lời đậm thì thi nhau bán, khi giá giảm theo kế hoạch thì bỏ không bán. Ở đâu ra kiểu kinh doanh “dị hợm” như thế này. Theo tôi tình trạng này diễn ra ngày càng trầm trọng, có lẽ cơ quan chức năng phải có “liều thuốc” mạnh. Kiên quyết không để tình trạng kinh doanh xăng dầu kiểu “lời ăn, lỗ nghỉ bán”. Phải mạnh tay rút giấy phép vài cây xăng, doanh nghiệp đầu mối sai phạm, cấm kinh doanh xăng dầu vĩnh viễn thì có lẽ tình trạng này sẽ cải thiện”. Còn BĐ Lam Lieu viết: “Đã kinh doanh thì chấp nhận lỗ lãi theo quy luật thị trường, nhất là mặt hàng độc quyền xăng dầu khi giá tăng thì không kêu lãi quá, khi giá xuống lại bảo hết hàng, kêu lỗ. Đề nghị Bộ Công thương xử lý quyết liệt các cửa hàng xăng dầu đóng cửa không có lý do chính đáng, rút giấy phép luôn vì đây là ý đồ gây nhiễu loạn thị trường”.

“Để xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu là điều bất thường. Các doanh nghiệp đầu mối và các cửa hàng xăng dầu khi làm ăn có lời thì không trích quỹ rủi ro, đến khi lỗ thì kêu ca. Giá xăng dầu tác động rất lớn đến giá cả thị trường nên không thể để “nhảy múa” như hiện nay được”, BĐ Duc Tri kiến nghị.

Cần xử lý triệt để

Theo nhiều BĐ, bên cạnh xử lý những cửa hàng, đầu mối xăng dầu gây nhiễu loạn, cần xem xét trách nhiệm điều hành để có giải pháp căn cơ. “Cần xem lại cách điều hành, quản lý của liên bộ vì xăng dầu bán được là nhờ hệ thống, mà hệ thống bị nghẽn (không còn là cục bộ) thì trách nhiệm thuộc về ai?”, BĐ Thanh Vung ý kiến. Trong khi đó, BĐ Phúc Nguyễn thẳng thắn: “Để xảy ra hiện tượng này là do trách nhiệm của liên bộ Tài chính - Công thương, trong đó trách nhiệm chính là Bộ Công thương”. Còn BĐ Anh Nghĩa cho rằng: “Theo quan sát của tôi thì Bộ Công thương vẫn chưa có sự quyết liệt trong việc vào cuộc làm rõ vấn đề này và xử lý dứt điểm. Mỗi khi xảy ra tình trạng này thì đời sống của người dân bị đảo lộn, ảnh hưởng rất nhiều, mong Bộ Công thương xử lý triệt để tình trạng này”.

Xe ôm và shipper ở TP.HCM mệt mỏi, lao đao nhiều trạm xăng treo biển "hết hàng"

“Tình trạng này xảy ra trên cả nước chứ không phải cục bộ vài địa phương. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, nếu phát hiện cây xăng, doanh nghiệp đầu mối nào cố tình găm hàng không bán tạo cơn sốt xăng dầu giả thì mạnh tay rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn. Xử lý thật nghiêm để răn đe. Cơ quan quản lý cũng cần xem lại cách điều hành, điều chỉnh cho phù hợp”, BĐ Mỹ Anh thẳng thắn.

* Xăng giảm thì kêu hết xăng, xăng tăng thì lại bán ra ồ ạt, bao nhiêu cũng không hết, như động không đáy… Quá vô lý!

Thang Vu

* Lúc xăng 32.000 đồng/lít sao không thấy ai kêu lỗ hết vậy? Xăng vừa giảm, người dân chưa kịp mừng, thì lại kêu lỗ ngừng bán. Quản lý thị trường đâu rồi?

Huu Nghia

* Tôi cho rằng người bán lẫn doanh nghiệp không thể nào lỗ được vì ngành xăng dầu đã có khung giá, chiết khấu quy định của nhà nước. Lúc lãi lớn thì chả thấy giảm đồng nào, lúc lỗ thì thi nhau nghỉ bán. Không thể chấp nhận kiểu kinh doanh như thế này.

Phan Nhu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.