Không thể chấp nhận nạn chiếm đất rừng để trục lợi bất động sản

09/04/2022 08:08 GMT+7

Nhiều bạn đọc bức xúc trước việc rừng thông ở Đắk Nông và Lâm Đồng liên tục bị tàn phá để chiếm đất, trục lợi phi pháp; yêu cầu ngành chức năng phải xử lý nghiêm khắc để bảo vệ rừng.

Như Thanh Niên đã thông tin, rừng thông già chạy dọc QL14, nhất là đoạn qua H.Đắk Song (Đắk Nông), được xem là biểu tượng sinh thái và là “mặt tiền” của tỉnh này. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều khoảnh rừng thông nơi đây bị “thảm sát” vô tội vạ. Đáng nói, có những vị trí bị xâm hại trong thời gian dài, chính quyền địa phương “đã xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm” và nay vẫn ngang nhiên tiếp diễn.

Rừng thông 20 năm tuổi tại tiểu khu 263B bị triệt hạ hàng loạt

LÂM VIÊN

Trước đó vào năm 2015, UBND tỉnh Đắk Nông giao H.Đắk Song quản lý 256 ha đất có rừng. Tuy nhiên, hiện có tới hơn 70 ha diện tích rừng bị mất, hơn 16.000 cây thông bị chết.

Ông Võ Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Đắk Song, cho rằng thời gian qua đất dọc QL14 tăng giá, có lô lên đến tiền tỉ, nên một số người thường xuyên cất nhà trái phép ở rừng thông với ý định chiếm đất. Mặc dù chính quyền địa phương “liên tục kiểm tra và cưỡng chế tháo dỡ, nhưng một số đối tượng vẫn thường xuyên vi phạm”.

Theo ông Tuấn, liên quan việc buông lỏng quản lý rừng thông, những năm gần đây có rất nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có 2 chủ tịch xã bị cách chức. Năm 2021, UBND H.Đắk Song cũng đã kiểm điểm nhiều cán bộ liên quan đến những vấn đề tồn đọng từ những năm trước trong việc quản lý rừng thông. “Để phục hồi rừng thông, hằng năm huyện đều tổ chức trồng thông non ở các khoảnh rừng bị phá. Năm 2021, huyện đã trồng hơn 5.000 cây thông non”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, tại tỉnh Lâm Đồng, địa phương có nhiều rừng thông nhất cả nước cũng đang chứng kiến cảnh “thảm sát” liên tiếp. Rừng ở đây bị phá theo kiểu không ồ ạt cùng lúc, từng khoảnh lớn mà âm ỉ, gặm nhấm từng ngày. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lâm Đồng phát hiện và lập biên bản 35 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp (chủ yếu có thông) với diện tích hơn 13 ha.

Lẽ nào bó tay với kẻ phá rừng chiếm đất làm nhà?

“Đọc bài báo mà bức xúc quá đỗi. Không thể chấp nhận được. Sao lại có chuyện chính quyền địa phương “liên tục kiểm tra và cưỡng chế tháo dỡ, nhưng một số đối tượng vẫn thường xuyên vi phạm”? Vậy chúng ta bó tay với những đối tượng phá rừng để chiếm đất làm nhà sao? Cần phải mạnh tay, quyết liệt hơn nữa, nếu ai không làm được thì xin đứng sang một bên, để người khác làm”, bạn đọc (BĐ) XXX bức xúc.

Cùng ý kiến, BĐ khuyentv…@gmail.com cho rằng: “Đọc xong bài báo mà tôi thể tin nổi. Chính quyền sở tại quá yếu kém. Lấy cái gì cầm được thì sợ không bắt được chứ lấy mảnh đất thì sao mà di dời đi chỗ khác được. Sợ gì không bắt được kẻ phạm tội?”.

Còn BĐ ttkchi…@yahoo.com cho biết: “Không chỉ Lâm Đồng, hiện nay nhiều nơi giá đất nông nghiệp tăng lên 200 - 300%, giá tăng từng ngày”.

Coi chừng có ngày không còn rừng mà giữ nữa

Đó là cảnh báo của nhiều BĐ khi mà nạn “thảm sát” rừng cứ tiếp tục diễn ra. BĐ Tiến Khang viết: “Ngày 7.4, tôi đọc được tin trên Thanh Niên: TAND H.Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết sau 3 ngày xét xử sơ thẩm, cơ quan này đã tuyên án đối với 40 bị cáo liên quan trong vụ án phá rừng xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk). Đau lòng nhất là trong số các bị cáo, có 2 cán bộ kiểm lâm, chính 2 bị cáo này đã hướng dẫn lâm tặc và phá rừng tại khu bảo tồn. Cạn lời luôn. Cán bộ kiểm lâm giữ rừng kiểu này thì có ngày sẽ chẳng còn rừng mà giữ nữa!”.

Trong khi đó, BĐ Đức Vân bày tỏ sự lo lắng: “Đất rừng, đất lúa biến thành bất động sản. Đâu đâu cũng biến tướng thành bất động sản kiếm lời. An ninh lương thực, sinh quyển, môi trường, quy hoạch tổng thể vùng của quốc gia sẽ như thế nào?”.

Để bảo vệ rừng và lập lại kỷ cương phép nước, BĐ Huỳnh Phát mong muốn: “Yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra xử lý cán bộ nào tiếp tay cho phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xử lý thật nghiêm minh để răn đe thật mạnh. Phải thu hồi toàn bộ đất rừng đã lấn chiếm, bắt trồng lại những rừng thông”.

BĐ Duong Tu thẳng thắn đề xuất: “Tôi đề nghị nơi nào để xảy ra tình trạng phá rừng thì nên cách chức ngay lãnh đạo địa phương đó”.

* Ai phá rừng ngoài xử lý theo luật, phải bắt buộc cầm cuốc đi trồng lại rừng, không dùng tiền để tránh né.

Anh

* Cần phải điều chỉnh luật đất đai, đánh thuế bất động sản thật nặng từ bất động sản thứ 2 trở đi, kiên quyết thu hồi các dự án đất bỏ hoang, lãng phí quỹ đất. Có như vậy mới đảm bảo tình trạng thổi giá bất động sản sẽ chấm dứt, giá bất động sản sẽ về lại giá trị thực của nó và người có nhu cầu thực sự sẽ tiếp cận được...

Phong Ng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.