Liên quan đến “ách tắc” án hành chính mà người bị kiện là chủ tịch UBND các cấp, tại buổi thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ của TAND tối cao và Viện KSND tối cao vào sáng 25.3, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, ngoài chuyện nể nang của TAND và Viện KSND thì trường hợp người đứng đầu UBND không tham dự phiên tòa, không tham gia hòa giải, dẫn đến việc giải quyết kéo dài; rồi nhiều vụ án được tuyên nhưng không thi hành án.
Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm khi các UBND và chủ tịch UBND không thi hành hiện nay chưa nghiêm.
Trong quá trình theo dõi thông tin liên quan đến mảng pháp luật, người viết cũng đã nhiều lần phỏng vấn các chuyên gia về vấn đề này. Tựu chung, các ý kiến dẫn điểm b khoản 2 điều 157 luật Tố tụng hành chính 2015 quy định, “tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai đối với người bị kiện... mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ”.
Bên cạnh đó, Nghị định 71/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa, nêu rõ thời gian tự nguyện thi hành án là 30 ngày. Không tự nguyện sẽ bị tòa ra quyết định buộc thi hành, khi đó phải thi hành ngay.
Về xử lý trách nhiệm chủ tịch UBND chậm thi hành án, khoản 1 điều 21 Nghị định 71/2016 quy định hình thức kỷ luật khiển trách đối với công chức, viên chức có hành vi chậm thi hành án; khoản 2 điều 22 Nghị định 71/2016, kỷ luật cảnh cáo đối với công chức, viên chức khi có hành vi “sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành”.
Ngoài ra, còn nhiều hình thức khác như hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với người vi phạm; trường hợp cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy mức độ hậu quả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án. Như vậy, các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề này đã có. Vì sao không được thực hiện?
Bình luận (0)