Áp lực quá lớn về trách nhiệm chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm
Sáng 25.3, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 11, Quốc hội dành cả buổi để nghe các báo cáo nhiệm kỳ của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Kiểm toán nhà nước...
Tại báo cáo của ngành mình, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong nhiệm kỳ ngành đã thi hành các đạo luật về tư pháp mới được ban hành đã đặt ra nhiều áp lực đối với ngành kiểm sát.
Đó là yêu cầu nhiệm vụ và trách nhiệm tăng thêm rất nhiều; yêu cầu kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia, thực hiện nhiều hoạt động tố tụng so với trước đó nhằm phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó là chế tài xử lý trách nhiệm rất nghiêm đối với kiểm sát viên trong việc để xảy ra các trường hợp oan, sai theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và quy định kỷ luật của Đảng.
Thêm vào đó, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ án hình sự đã khởi tố tăng so với nhiệm kỳ trước.
Trong bối cảnh đó, Viện trưởng VKSND tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ.
Việc tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật và các điều kiện để bảo đảm hoạt động của ngành được Viện trưởng VKSND tối cao thường xuyên quán triệt, coi đây là biện pháp quan trọng để xây dựng ngành kiểm sát có đủ uy tín và có sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội giao.
Để đảm bảo nội dung này, ngành kiểm toán đã tập trung kiện toàn hệ thống thanh tra; đổi mới phương pháp, nội dung thanh tra, kiểm tra; chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất những khâu công tác, những đơn vị còn hạn chế, yếu kém; yêu cầu người đứng đầu các cấp kiểm sát phải chỉ đạo công tác tự kiểm tra và chịu trách nhiệm kết quả báo cáo, nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành.
|
Đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND; ngành kiểm sát cũng "đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim Sinh tử, qua đó tuyên truyền về ngành kiểm sát và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay".
"Bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao” trong xử lý các vụ tham nhũng, kinh tế lớn
Cũng theo ông Lê Minh Trí, trong nhiệm kỳ có nhiều thách thức (như đã nêu ở trên), chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm so với nhiệm kỳ trước, cũng theo báo cáo.
Kiểm sát các cấp đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, tăng 64%; Viện kiểm sát đã ra quyết định hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án thiếu căn cứ pháp luật và trực tiếp quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra gần 150 vụ án, tăng 07%;...
Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ 326.795 người; đã trực tiếp lấy lời khai đối với hơn 223.000 người nhằm bảo đảm việc ra các quyết định phê chuẩn có đầy đủ cơ sở, căn cứ pháp lý.
Đồng thời, đã quyết định không phê chuẩn hàng nghìn lệnh, quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của cơ quan điều tra, cụ thể gồm: 600 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tăng gần 20%; 800 quyết định gia hạn tạm giữ, tăng gần 70%; 1.300 lệnh tạm giam, tăng gần 40%; 1.100 lệnh bắt bị can để tạm giam, tăng gần 50%;
Mặt khác, theo ông Lê Minh Trí, Viện kiểm sát đã trực tiếp ra quyết định hủy bỏ gần 3.000 quyết định tạm giữ và yêu cầu cơ quan điều tra bắt tạm giam hơn 300 bị can theo đúng các quy định của pháp luật...
Bên cạnh đó, ngành kiểm sát cũng đã xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn, “thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao”.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp cũng được cho là có nhiều chuyển biến rõ nét; kịp thời phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm tăng dần theo từng năm.
Hạn chế, tồn tại chủ yếu do số việc nhiều, biên chế ít
Về tồn tại, hạn chế, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, “do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan”, nên vẫn còn một vài chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội, như: còn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan và trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng; chất lượng kháng nghị các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội.
“Những hạn chế, tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do số vụ việc, vụ án tăng nhiều trong tất cả các lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ tăng theo quy định mới của pháp luật trong khi các đơn vị đều phải chấp hành cắt giảm biên chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ”,… báo cáo nêu.
Trong phần kiến nghị, VKSND tối cao cũng đề nghị được quan tâm có cơ chế chính sách về cán bộ và điều kiện, trang bị phương tiện làm việc phù hợp vì hiện chế độ chính sách và kinh phí hoạt động của ngành kiểm sát được cấp theo kinh phí cơ quan hành chính, không đủ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nên cần được xem xét, quan tâm hơn trong thời gian tới.
"Tình hình tội phạm ngày càng tăng nhanh, yêu cầu về nhiệm vụ, trách nhiệm của Viện kiểm sát theo quy định của các đạo luật tư pháp mới tăng nhiều hơn so với trước, kỷ luật Đảng đối với cán bộ tư pháp có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm khắc nên đã tạo áp lực trách nhiệm nặng nề đối với ngành kiểm sát. Do đó, nếu không được tăng biên chế thì ngành kiểm sát đề nghị giữ nguyên biên chế ban đầu thì mới giảm áp lực quá lớn về trách nhiệm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm hiện nay của đội ngũ kiểm sát viên", Viện trưởng VKSND tối cao nói.
Bình luận (0)