Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cơ quan thực thi pháp luật phát hiện, khởi tố, tạm giam nhiều người liên quan đến vụ nâng giá trang thiết bị y tế (máy xét nghiệm RT-PCR) gấp 3 lần xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Mới đây, Bộ Công an bắt giam cả ê kíp lãnh đạo Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM... Bộ Công an cũng đang làm việc với BV Tim và BV Thanh Nhàn (Hà Nội). Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Sở Y tế TP.HCM ra thông báo chấn chỉnh trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hàng hóa tại các BV.
Chính sách xã hội hóa trong ngành y tế đã có từ lâu với hy vọng mở ra một chương mới cho ngành này, đó là giúp BV chủ động vốn, mua sắm trang thiết bị, làm chủ kỹ thuật để phục vụ người bệnh. Nhưng việc thực thi giám sát mua sắm bằng tiền xã hội hóa một thời gian dài, công bằng mà nói, là khá lỏng lẻo. Cùng một chủng loại (ngay cả thuốc), mỗi BV mua mỗi giá và khấu hao từ tiền túi mà bệnh nhân trả. Có BV máy móc hết khấu hao nhưng vẫn chấp nhận phần thiệt khi cho “đối tác” phần hưởng cao hơn... mà đối tác nhiều khi không ai khác, chính là “sân sau” của một số lãnh đạo BV.
Khi quản lý nhà nước không biết giá gốc của thiết bị y tế là bao nhiêu thì một giải pháp đã được đưa ra: công khai kết quả đấu thầu để người mua sau không chênh lệch cao hơn mua trước. Và quả thật, năm 2020, Bộ Y tế công khai kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế của các BV trên toàn quốc, với kỳ vọng, sẽ không còn cảnh chênh lệch giá giữa các trang thiết bị y tế cùng chủng loại, model. Nhưng một số người cũng cố tìm cách “lách”, như “bắt tay” nhà cung cấp nhằm thêm bớt “hạng mục” phần mềm, bảo hành, đào tạo... để có giá khác nhau.
Điều này cho thấy, nếu vẫn còn những con người muốn tạo ra “vùng xám” để mưu lợi thì sự minh bạch không thể được thực hiện triệt để. Việc cần làm là rà soát tất cả những BV mua sắm thiết bị y tế bằng nguồn vốn ngân sách, vốn xã hội hóa, từ đó trám lỗ hổng (nếu có) bằng việc sửa đổi chính sách phù hợp và những bản án nghiêm khắc.
Bình luận (0)