Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với doanh nghiệp tại TP.HCM trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 4.3.
Chủ tịch nước phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri hôm qua - Ảnh: D.Đ.Minh |
Đề cập đến vấn đề hội nhập kinh tế thế giới, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho rằng cả nước hiện có khoảng 600.000 DN, trong đó gần 500.000 DN tư nhân, quy mô vừa và nhỏ, có sức cạnh tranh yếu, thiếu tài chính đầu tư, công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất và chất lượng hàng hóa không cao. Đặc biệt, trong tháng 1.2016, riêng tại TP.HCM có 4.320 DN ngừng hoạt động, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ. Đây là điều đáng lo ngại. Bởi song song đó, số DN FDI lại đang tăng nhanh và chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.
|
|
Doanh nghiệp nội bị “bao vây”
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TP.HCM, cảnh báo đến khả năng DN nội “thua ngay trên sân nhà” mà trước mắt là thua khi hàng Thái đã len lỏi vào VN từ kênh đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại đến các chợ bán lẻ, tiệm tạp hóa trong khu dân cư. Ngành nhựa của VN đang bị thâu tóm dần bởi nhiều “ông lớn” đến từ Thái Lan. Theo ông Anh, DN ở VN có vốn khoảng 1.000 tỉ đồng là DN lớn, nhưng với Thái Lan với mức đó chỉ là vừa và nhỏ. Những DN vừa và nhỏ của VN có vốn vài ba chục tỉ đồng, Thái Lan xem là DN “li ti, thậm chí không có tên để gọi”.
Không chỉ lo ngại hàng Thái, nhiều ngành hàng chủ lực của VN cũng đang đối diện sự thao túng bởi hàng nhập khẩu trốn thuế, trôi nổi từ Trung Quốc. Ông Trần Thế Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty giày Viễn Thịnh, thông tin: Năm 2015, doanh thu ngành da giày lên đến 12 tỉ USD, nhưng lợi nhuận thì “cỏn con”, vì chỉ lo sản xuất, gia công, ít kênh phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện 90% sản phẩm hàng da giày tại các chợ đầu mối lớn trên cả nước đều từ các vùng biên giới phía bắc tràn vào. “Nếu muốn tồn tại, chúng ta phải loại trừ triệt để hàng hóa trôi nổi, hàng gian, hàng giả, chứ nếu không thì các DN sẽ chết. Điều này đòi hỏi vai trò quản lý của nhà nước phải hiệu quả hơn, chứ không thể để cho DN tự chống đỡ như hiện nay được”.
Tương tự, đại diện một DN may mặc tại Q.Tân Bình cho biết hàng may mặc trong nước từ dòng thấp cấp đến cao cấp đều bị chèn lấn, cạnh tranh dữ dội về giá với hàng của Trung Quốc và Thái Lan.
Về lĩnh vực sản xuất dược, theo ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên, hiện 30% là thuốc nội và 70% còn lại vẫn là thuốc ngoại trong khi theo chiến lược phát triển ngành dược do Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020, thuốc nội phải chiếm 80% trong tiêu thụ tại bệnh viện. “Vấn đề là những quy định trong đấu thầu chỉ gây thua thiệt cho DN nội. Hiện khoảng 95% nguyên liệu sản xuất tân dược là phải nhập khẩu. Ngành dược muốn phát triển cần có ngành sản xuất nguyên liệu tân dược nội địa. Giá thuốc hiện chúng ta không cạnh tranh nổi với hàng của Trung Quốc và Ấn Độ, nguyên nhân chính đến từ nguyên liệu”, ông Dũng cho biết.
"Một sự báo động rất rõ ràng"
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, VN vẫn đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi liền với mục tiêu này là một loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đây là những hiệp định thuộc “thế hệ mới”, yêu cầu gắt gao, cao hơn nhiều so với trước đây, là “bậc thềm” cho VN thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu hội nhập thành công. “Ví dụ như khi ký TPP có anh em nói VN sẽ thành rồng. Tôi có nhắc là không dễ thành rồng đâu mà có thể biến thành con gì đó nếu như chúng ta không chuẩn bị gì hết”, Chủ tịch nước nói và đánh giá: “Chiều nay mới nghe sơ sơ 11 góp ý thôi mà thấy tình hình không sáng lắm. Nếu cả nước mà hàng trăm ý kiến như vậy thì có thể thấy bầu không khí chắc còn đen hơn nữa. Chúng ta không thể ngồi ở đây mà chờ sung rụng được”.
Theo Chủ tịch nước, các cơ quan nhà nước đã nghe nhiều lần rồi, nhưng rõ ràng có một khoảng trống về sự chuẩn bị. “Đây là một sự báo động rất rõ ràng”. Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh cộng đồng DN, các cơ quan tham mưu chính sách không nên “né qua, né lại” mà phải hết sức thẳng thắn, phải chính xác hóa những vấn đề nêu ra. “Không mơ hồ vì nếu mơ hồ thì quyết sách của lãnh đạo đưa ra không đúng sẽ nguy hiểm cho đất nước”.
Chia sẻ về vai trò của hiệp hội các DN, Chủ tịch nước cho rằng cộng đồng DN cũng cần đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, thị trường trong nước cũng như khi vươn ra làm ăn ở nước ngoài. Ông nói: “Những gì chính sách của Đảng, nhà nước không phù hợp, thật sự vướng, gây hại đến sự sống còn của DN là phải có ý kiến đến nơi đến chốn, không lùi bước. Đất nước này muốn phát triển phải nhờ DN. DN chết thì đất nước sẽ chết theo. DN trì trệ, đình đốn, nợ xấu ngân hàng thì chết luôn thôi, chết hết. Sứ mạng của hiệp hội rất lớn, phải vươn lên và hội nhập thắng lợi, sẵn sàng bảo vệ thành viên của mình khi gặp khó khăn, không thể cứ đủng đỉnh mãi được”.
Đề cập đến các nhân tố cơ chế, chính sách của nhà nước, Chủ tịch nước khẳng định: “Đây là một lĩnh vực còn nhiều khiếm khuyết lắm, từ thể chế đến nhân lực. Chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm. Giờ chỉ còn đường tiến chứ không còn đường lui nữa nên chúng ta phải dốc sức”.
Bình luận (0)