Để cụ thể hóa điều này, Chính phủ luôn đặt công tác cải cách thể chế, ban hành các văn bản pháp luật vào “danh mục ưu tiên”, trong đó, những nghị định hướng dẫn thi hành luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp được quan tâm hơn cả.
Ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 diễn ra hôm 1.6 không còn là thảo luận kinh tế xã hội theo lệ thường. Thủ tướng yêu cầu bàn ngay vào việc kiểm điểm công tác xây dựng thể chế. Điều này, một lần nữa cho thấy tinh thần khẩn trương của người đứng đầu Chính phủ.
Thế nhưng, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã phải dùng những từ “rất đáng lo ngại” trước nguy cơ vỡ tiến độ. Theo đó, để thực hiện 3 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1.7 thì Chính phủ phải ban hành 37 nghị định. Nhưng đến 31.5, các bộ vẫn nợ hơn một nửa khi còn 21 nghị định chưa ban hành.
Riêng các nghị định hướng dẫn thực hiện điều kiện kinh doanh tại hai luật Đầu tư và Doanh nghiệp, cơ quan điều hành cũng còn nợ 14 trong số 49 cái.
Điều đáng nói là, cả hai luật này đều đã được QH thông qua từ cuối năm 2014 và có hiệu lực từ gần 1 năm nay. Nghĩa là, các bộ đã có đến gần 2 năm để chuẩn bị. Vậy mà cho đến nay, lãnh đạo nhiều bộ vẫn tiếp tục trù trừ, kêu khó và có ý muốn Chính phủ gia hạn văn bản hướng dẫn sau ngày 1.7.
Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại - Công nghiệp VN Đậu Anh Tuấn cảnh báo rằng, để hàng chục nghị định cùng lúc ban hành theo kiểu rút gọn thì e rằng các cơ quan được tham vấn ý kiến, đối tượng chịu tác động không có thời gian, điều kiện để nghiên cứu thấu đáo mà góp ý, phản biện.
Tại sao Chính phủ thì sốt sắng mà các bộ cứ thong thả vậy, để giờ này, khi nước đến chân... mới nhảy và vô hình trung đẩy Chính phủ mới vào tình cảnh quá tải, nếu không muốn ôm một “khoản nợ” các văn bản hướng dẫn luật? Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông trong một cuộc họp mới đây "tố" rằng, phải khó khăn lắm ông mới có được lịch hẹn với người đồng cấp ở các bộ để rà soát các điều kiện kinh doanh. Thế mà đến phút chót nhiều thứ trưởng vẫn cáo... bận.
Trên thực tế “điều kiện” đi kèm với thẩm định, cấp phép, kiểm tra. Hay nói khác là đi cùng với cơ chế xin cho, phong bì. Chả trách mà TS Nguyễn Đình Cung từng phải kêu thất thanh về việc kiểm tra của các cơ quan quản lý, còn doanh nghiệp thì phản ảnh các bộ chính là nơi gây khó dễ nhiều nhất.
Vậy nên, khi Thủ tướng đã sốt sắng, thì các bộ không thể từ từ được.
Bình luận (0)