Không thống nhất được phương án đánh thuế tài sản không rõ nguồn gốc

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/07/2018 13:51 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thống nhất được phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý về nguồn gốc, nên quyết định sẽ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này.

Tiếp tục đề xuất thu thuế 45% với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc
Sáng 13.7, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, vấn đề xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc ưu nhược điểm của từng phương án và tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đều thống nhất chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân đối với loại tài sản, thu nhập này.
Đây là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay và có tính khả thi nhất”, bà Lê Thị Nga báo cáo.
Theo đó, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị 2 phương án xử lý: thứ nhất, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất.
Phương án thứ 2, chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để phân loại tài sản, thu nhập nào chứng minh được thuộc diện chịu thuế thì yêu cầu nộp thuế; các tài sản, thu nhập khác vẫn thuộc về người có nghĩa vụ kê khai. Với phương án này, không cần sửa luật Thuế thu nhập cá nhân.
Về mức thuế suất, bà Nga cho biết hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến UBTP cơ bản thống nhất với Cơ quan trình dự án về mức thuế suất 45% như dự thảo luật với những lý do như giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về căn cứ xác định mức thuế suất 45%.
Thu thuế 45% không có cơ sở thuyết phục
Tại phiên họp, ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khá khác nhau về phương án thu thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc mà cơ quan soạn thảo và thẩm tra trình.
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn cho rằng, các phương án đặt ra khó thực hiện. Bởi lẽ, tài sản, thu nhập đánh thuế thì phải khẳng định đây là tài sản, thu nhập hợp pháp. Còn ở đây là tài sản không chứng minh được thì tài sản đó có thể là hợp pháp, cũng có thể là không. Nếu thu thuế xong chứng minh được đó là tài sản do phạm tội mà có thì lại chuyển sang xử lý hình sự như vậy một hành vi lại bị xử lý 2 lần.
Ông Trần Công Phàn, Phó chánh án tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại phiên họp sáng 13.7 Ảnh Quang Khánh
“Như vậy, nếu đặt ra việc không chứng minh được về nguồn gốc mà chuyển sang thu thuế ngay thì không có cơ sở. Tương tự, cũng không có cơ sở nào tự nhiên thu thuế 45% với loại tài sản này”, ông Phàn nói.
Trong khi đó, Phó chánh án Tòa an nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ lại thống nhất với phương án mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trình là thu thuế. “Tài sản không chứng minh được là tài sản bất hợp pháp thì phải coi là tài sản hợp pháp, cũng giống như trong hình sự, không chứng minh phạm tội thì là vô tội”, ông Tuệ nêu quan điểm. Tương tự, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong tất cả các phương án thì phương án thu thuế là phương án mạnh nhất và cũng là khả thi nhất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc xử lý theo phương án thu thuế 45% với tài sản, thu nhập mà nhà nước không chứng minh được là bất hợp pháp thì chưa có cơ sở để thuyết phục. Từ đó, bà Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến, nghiên cứu, tổ chức họp bàn, thảo luận với các cơ quan trong Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng để có lý lẽ thuyết phục, sau đó tổng hợp những ý kiến còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.