Không thực cũng được danh

30/06/2014 00:16 GMT+7

Cuộc trưng cầu dân ý về dân chủ ở Hồng Kông đã thu hút được sự tham gia của gần 800.000 người dân đặc khu. Kết quả trưng cầu không có giá trị pháp lý bởi bị chính quyền Trung Quốc coi là bất hợp pháp. Dù vậy, ý nghĩa chính trị và tâm lý vẫn rất đáng kể.

Thông qua sự thể hiện thái độ của mình, người tham gia cuộc trưng cầu không chính thức này không chỉ mong muốn có dân chủ hơn ở Hồng Kông mà còn muốn nền dân chủ ấy khác với nền dân chủ bị áp đặt lâu nay. Họ muốn dân chủ theo những chuẩn mực chung trên thế giới chứ không phải dân chủ đặc thù như từ khi Hồng Kông được trả cho Trung Quốc đến nay.

Qua đó có thể thấy đặc khu này từ vị thế tự trị đã trở nên tự tin đến mức có bản lĩnh để đòi thay đổi cơ bản liên hệ ràng buộc pháp lý với chính quyền Trung Quốc. Cuộc trưng cầu chưa đủ để giúp Hồng Kông đạt ngay mục tiêu ấy nhưng đã đủ để khởi động một quá trình đưa đến bước chuyển giai đoạn.

Chính quyền Trung Quốc không thể không lo ngại dù cuộc trưng cầu dân ý chưa có được tính chính thức bởi nó động chạm đến mô hình “một nhà nước hai chế độ” được vận dụng từ năm 1997. Nó cho thấy mô hình ấy đang trở nên bất cập, cản trở sự phát triển của Hồng Kông chứ không tạo ra sự hài hòa giữa “hai chế độ trong một nhà nước”. Nó buộc chính quyền Trung Quốc sớm muộn phải giải lại bài toán về tương lai chính trị cho Hồng Kông và chuyện này nan giải hơn nhiều so với những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội nội bộ mà Trung Quốc đang phải giải quyết.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.