Không tinh trùng vẫn có thể sinh con

03/09/2016 08:45 GMT+7

Với kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ đã hỗ trợ sinh sản thành công nhiều trường hợp nam giới hiếm muộn, trong đó nhiều trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch vẫn có thể làm cha.

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, lâu nay khi hiếm muộn các ông chồng thường đổ lỗi cho vợ, nhưng thực tế nhiều trường hợp do nam giới. “Các điều tra cho thấy 40% nguyên nhân do người chồng, 40% do người vợ và 20% không rõ nguyên nhân”, ông Tiến nói.

Còn theo bác sĩ (BS) CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh ở nam giới như một số phẫu thuật, di chứng tổn thương tủy sống... nhưng chủ yếu tinh trùng ít, tinh trùng yếu, không có tinh trùng. Tuy nhiên, theo BS Lê Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Phó giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: “Hiện tại, một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng thành công đã giúp các trường hợp nam giới hiếm muộn được điều trị thành công. Đặc biệt, nhiều trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch vẫn có thể làm cha. Trong trường hợp này, bệnh nhân được thực hiện thủ thuật lấy tinh trùng trong mào tinh, sau đó thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ”.


Chia sẻ thêm, BS Nguyễn Khắc Lợi cho biết vô sinh ở nam giới còn có các nguyên nhân như tiền sử sang chấn (bị thương, xoắn tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ) tăng nguy cơ không có tinh trùng; tiền sử bị bệnh lây qua đường tình dục làm tăng nguy cơ bị vô sinh nam; nhiễm độc (chì, thuốc lá...)... “Các cặp vợ chồng khi thấy có nguy cơ, nghi ngờ hiếm muộn nên đi khám chuyên khoa sớm để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Điều trị sớm càng tăng cơ hội thành công”, BS Lợi khuyên.


BS Hiền cho biết thêm, với trường hợp nam giới vô sinh do liệt, chấn thương cột sống, các BS sẽ thực hiện thủ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh, sau đó thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đáng chú ý, gần đây ghi nhận nhiều trường hợp nam giới được phát hiện vô sinh do quai bị. Đây là bệnh khá thường gặp (nếu không được tiêm vắc xin phòng), có thể gây viêm, teo tinh hoàn ở nam giới. “Với các trường hợp viêm, teo tinh hoàn các BS sẽ thực hiện thủ thuật để kiểm tra có tinh trùng trong mào tinh hay không. Nếu có, tinh trùng sẽ được lấy ra và trữ lạnh. Sau đó khi muốn sinh con, tinh trùng đó sẽ được rã đông, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và hoàn toàn có cơ hội làm cha”, BS Hiền nói.
Liệt, ung thư vẫn sinh con khỏe mạnh
Trên chiếc xe lăn, anh Đỗ Đại Dương (49 tuổi, sống tại Hà Nội), hạnh phúc bên vợ và con gái chia sẻ: “Năm 19 tuổi, tôi bị liệt hai chân do bị chấn thương sau một tai nạn. Gia đình đã đưa đi chạy chữa khắp nơi, đến các bệnh viện đầu ngành nhưng các BS đều cho biết không thể làm được gì khác”. Năm 36 tuổi, anh Dương lập gia đình nhưng không thể có con. Vợ chồng anh đã tìm đến BV Nam học - Hiếm muộn Hà Nội. “Tại đây, các BS đã giúp lấy tinh trùng khỏe mạnh thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Và kết quả là con gái của chúng tôi ra đời, năm nay con đã lên 4 tuổi”, anh Dương khoe.

tin liên quan

6 điều nên làm sau khi sinh con
Thời kỳ hậu sản thường ít được nhắc đến khi nói đến chuyện mang thai sinh nở, nhưng thật ra đó là khoảng thời gian phải đối mặt với những những thách thức lớn về những thay đổi của hormone, thể chất và tình cảm.

Trường hợp của vợ chồng anh Vũ Thế Ngh. và Lê Thị Th. cũng khá đặc biệt. Anh Ngh. có chỉ định phẫu thuật điều trị ung thư tinh hoàn (do tinh hoàn ẩn). Trước điều trị, anh đã được thực hiện thủ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh và các BS đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. “Cả BS và gia đình đều mừng vui trong ngày vợ chồng anh chị chào đón con gái ra đời”, BS Hiền bày tỏ.

tin liên quan

Sinh con tốt nhất ở độ tuổi nào?

Thời điểm lý tưởng để phụ nữ sinh con là khoảng 25 tuổi. Lúc này, khả năng sinh sản của họ đang ở trạng thái rất tốt, rủi ro sẩy thai lẫn các bệnh về di truyền như hội chứng Down cũng ở mức thấp nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.