Việc UBND tỉnh Phú Yên từ chối công nghệ sử dụng cyanua cực kỳ độc hại trong khai thác vàng của một công ty Trung Quốc là sự quyết liệt cần thiết. Đấy là thông điệp rõ ràng cho thấy rằng, trong lúc chúng ta luôn chào đón đầu tư, thì đồng thời cũng sẵn sàng nói “không” trước những phương cách đầu tư đem lại hậu quả xấu cho môi trường nói riêng và cho sự phát triển, cho an nguy của đất nước nói chung.
Lời từ chối của chính quyền Phú Yên dẫn đến sự ra đi của Công ty Kinh Mậu Chúng Thao không phải là một động thái tiên phong. Luật pháp và các chính sách đầu tư của Việt Nam từ lâu đã luôn rạch ròi giữa chào đón và từ chối. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã khẳng định chủ trương kiên quyết không cấp phép tràn lan cho những dự án có công nghệ lạc hậu, tác động xấu tới môi trường. Trong thực tiễn, nhiều địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương... đã không ít lần nói “không” với những công nghệ lạc hậu, độc hại từ nước ngoài, dù đấy là những dự án có vốn đầu tư rất lớn.
Tuy nhiên, sự quyết liệt này đã không được duy trì thường xuyên, với mức độ cảnh giác và kiểm soát cao nhất. Thế nên, rất thường xuyên, chúng ta đã phải trả giá rất đắt cho sự lơ đễnh của mình. Xin đơn cử chuyện của Khánh Hòa, với nhiều thôn xóm bị bụi nix (hóa chất độc hại sử dụng trong công nghiệp tàu thủy) tấn công suốt nhiều năm liền, môi trường bị ô nhiễm nặng nề và sức khỏe con người bị tổn hại nghiêm trọng. Ở đây, có thể thấy chúng ta chỉ được hưởng một vài lợi ích trước mắt từ những khoản đầu tư ấy, nhưng lợi bất cập hại. Hậu quả mà chúng ta gánh chịu còn lớn hơn nhiều lợi ích thu được.
Đến đây, tôi chợt nhớ vào tháng 3 năm nay, Úc đã cương quyết ngăn chặn Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đấu thầu xây dựng hệ thống mạng băng thông rộng toàn quốc. Chính quyền của Thủ tướng Julia Gillard nói rằng việc cấm cửa là “cần thiết” bởi sự tham gia của Huawei có thể kéo theo những nguy cơ về an ninh quốc gia, liên quan tới gián điệp điện tử. Đối mặt với nguy cơ ấy, người Úc đã cương quyết một cách lịch sự: “Không, xin cảm ơn!”.
Trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại, khái niệm công nghệ độc đã trở nên rộng lớn hơn, và vì thế khó nắm bắt hơn; việc nhận mặt chúng đòi hỏi những phương cách tiếp cận mới. Trong trường hợp của người Úc, mức độ “độc hại” của công nghệ không thể được đo đếm bằng những tác động xấu lên môi trường thiên nhiên, lên sức khỏe con người. Nó được đo bằng những nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia, chủ quyền đất nước.
Thế nên, nếu như cái lắc đầu của UBND tỉnh Phú Yên là một kinh nghiệm cần phát huy, duy trì, thì lời nói không của người Úc là điều mà chúng ta có thể tham khảo, trong bối cảnh ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng đang có những quan ngại về các trang mạng chứa phần mềm nguy hiểm; các thiết bị điện tử, viễn thông có chức năng gián điệp.
“Không, xin cảm ơn!”, nếu được phát ra đúng lúc và hợp lý, sẽ là chiếc khiên bảo vệ chúng ta khỏi những tác nhân độc hại, qua đó duy trì một sự phát triển vững bền.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)