Central Market là khu chợ dưới lòng đất nổi tiếng ở TP.HCM, nằm tại Công viên 23 Tháng 9 (ở đường Phạm Ngũ Lão, Q.1). Chợ mở cửa từ năm 2017, nhưng có một thời gian phải dừng hoạt động vì dịch Covid-19. Đầu tháng 11.2021, tiểu thương bắt đầu buôn bán trở lại.
Trong Central Market, khu ẩm thực Asiana Food Town là điểm nhấn được bạn trẻ yêu thích với không gian rộng 1.500 m2 , khá thoáng, nhiều món ăn, thức uống của Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan hội tụ. Vật dụng trang trí ở khu ẩm thực mang phong cách đồng quê với cỏ lau, rơm, rạ và bàn ghế gỗ... đem lại cho du khách cảm giác thân thuộc, ấm áp.
Phan Vàng Anh (24 tuổi), ngụ 32 Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết mình từng đến khu ẩm thực Asiana Food Town, song thời điểm đó nơi này chưa hoàn tất khâu trang trí nên không mấy ấn tượng. Hôm 15.8, khi đến đây Vàng Anh bất ngờ, không gian khu ăn uống thay đổi hoàn toàn, vừa cổ điển lẫn hiện đại, có nhiều bàn ghế gỗ, cỏ lau đẹp mắt.
Khu ẩm thực dưới lòng đất thay đổi diện mạo nhưng vẫn vắng vẻ
"Khu ẩm thực này khá tiện lợi, nằm trong khu mua sắm, sau khi tham quan mình có thể đến đây nghỉ chân, ăn uống. Mình ưng ý không gian ở đây vì có nhiều bàn ghế gỗ, vừa hiện đại vừa truyền thống, phù hợp với "gu" bạn trẻ bây giờ. Giá đồ ăn cũng hợp túi tiền, không quá đắt đỏ", Vàng Anh nói.
Huỳnh Tấn Phát (26 tuổi), làm việc tại một văn phòng ở đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM, thường cùng bạn qua khu ẩm thực dưới lòng đất uống cà phê. "Nơi này được sửa lại khang trang nên mình thích lắm. Ngồi ở đây làm việc, chụp ảnh check-in khá chill. Dù là chỗ mọi người ăn uống nhưng nơi này không quá xô bồ, yên tĩnh, rất thoải mái", Phát nói.
Khu ẩm thực hoạt động từ 10 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Từ 21 giờ 30, các quầy ăn uống tạm ngưng đón khách. Theo các tiểu thương, buổi trưa và tối là thời điểm đông khách nhất trong ngày, đa số là nước ngoài, gia đình và nhân viên văn phòng làm việc gần đó.
"Hầu như khách tới đây là những người quen từ các năm trước. Khách mới tìm đến rất ít", Phan Thị Diễm My (25 tuổi), quản lý một quán nước trong khu ẩm thực Asiana Food Town cho biết.
Diễm My cho biết quán nước của cô hoạt động hơn một năm rưỡi nhưng mỗi ngày chỉ bán được 60 đến 70 ly nước, giá từ 35.000 đồng đến 42.000 đồng/ly. Cuối tuần có nhiều khách gia đình đến, số lượng có thể tăng gấp đôi.
"Chợ ít khách một phần vì ít quầy bán đồ ăn, loanh quanh có phở, bún mắm, lẩu Thái, các món ăn vặt, kem, nước trái cây... không có nhiều món cho mọi người lựa chọn. Với lại hiện nay kinh tế khó khăn, mọi người cũng ngại đầu tư, mở quán mới", My chia sẻ.
Để thu hút khách, nhiều cửa hàng có chương trình giảm giá 10% hóa đơn hoặc bổ sung nhiều món mới. Gian hàng của chị Kim (40 tuổi), chuyên bán các món ăn Việt Nam, đã đầu tư thực đơn hơn 15 món để phục vụ khách. "Hàng quán ít hơn trước và lượng khách cũng giảm, nhưng mình cố gắng bán đa dạng món, nâng chất lượng để giữ chân người quen", chị Kim nói.
Qua quan sát của người viết, các món như: phở, bún mắm, bún chả cá, bún thịt nướng, bánh hỏi heo quay... tại khu ẩm thực có giá từ 45.000 đồng đến 80.000 đồng/phần. Các món nước uống có giá bình dân hơn là 35.000 đồng. Khách đi theo nhóm có thể lựa chọn ăn lẩu tôm, lẩu Thái, lẩu mắm từ 190.000 đồng tới 250.000 đồng. Không gian khu ăn uống rộng, sạch sẽ và có nhiều bàn ghế ngồi thoải mái, máy lạnh bật liên tục nên không cảm giác bí bách. Nếu đi xe máy, khách gửi xe ở tầng hầm với phí 8.000 đồng/lượt.
Bình luận (0)