Theo thống kê của Sở TN-MT Đồng Nai, bình quân mỗi ngày khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) xả gần 5.500 m3 nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai.
Ông Vũ Đình Hòa chỉ nơi nước xả thải ở cầu Rạch Bùn - Ảnh: Bạch Long
|
Cây cối èo uột rồi chết dần
Dẫn chúng tôi đi khảo sát một vòng quanh KCN Biên Hòa 1, ông Vũ Đình Hòa, Tổ trưởng KP.4, P.An Bình (TP. Biên Hòa) cho hay, hiện có 3 nơi xả nước từ KCN và sinh hoạt của người dân ra sông Đồng Nai như: ống xả ở cầu Rạch Bùn, bến phà An Hảo và một đường ống dọc theo đường Hàn Thuyên (thuộc KP.4). Tại những cống xả này nước thải có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, cống xả tại cầu Rạch Bùn có lớp bọt như xà phòng, nổi dày đặc trắng xóa. “Ở đây có nhiều công ty vẫn lén lút xả thải. Nhiều nhà sản xuất tôn, nằm sát khu dân cư, nên chất Amiang (chất có nguy cơ gây ung thư phổi-PV) thẩm thấu ra bên ngoài khiến nguồn nước nhìn trắng đục nhờ nhợ nên dân phải bỏ giếng đào, dùng nước máy. Cây cối, cỏ dại bị ngấm chất Amiang cũng èo uột rồi chết dần, không cho trái. Người dân bức xúc phản ánh, họp hành nhiều lần nhưng không giải quyết được”, ông Hòa bức xúc.
Ông Phan Văn Hải, Chủ tịch UBND P.An Bình cho hay: “Ô nhiễm ở KCN Biên Hòa 1 do có quá nhiều nhà máy hoạt động mà không đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nhiều công ty thường lén lút xả thải vào khoảng từ 20 giờ đến 23 giờ đêm. Dân ở đây khổ lắm, ngay cả tôi nằm ở nhà còn nghe mùi hôi từ không khí, nước thải xả ra chịu không nổi”.
Đi dọc nhiều tuyến đường trong KCN Biên Hòa 1, mùi nhựa cao su, mùi sơn...bốc lên nồng nặc, hết sức khó chịu. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (ngụ P.An Bình) bức xúc: “Nếu hít phải thứ hóa chất này sẽ bị ho, mắt mũi cay ngứa không chịu nổi. Nên thông thường chúng tôi phải tự bảo vệ mình và các con bằng cách đóng kín cửa và ở trong nhà cho đến khi khí thải bay đi mới có thể sinh hoạt trở lại bình thường. Chúng tôi đã làm đơn, thu thập chữ ký của nhiều hộ dân kiến nghị và gởi đi các cơ quan chức năng nhưng...cứ như muối bỏ biển”.
Ông Nguyễn Thanh Quảng (Tổ trưởng KP.9, P.An Binh), cho hay ban đêm, nhiều nhà máy vẫn lén lút xả khí thải ra môi trường. Nhà của nhiều hộ dân bị bụi đen bay vào, ám đầy sân và cửa sổ. “Nhiều lúc đi đường bụi đen xuất hiện làm rát và nhức mắt. Người dân ở đây ai cũng mong muốn KCN sớm di dời để có môi trường sống dễ thở hơn’’, ông Quảng nói.
Đến 2025 mới hoàn tất việc di dời
Theo báo cáo của Tổng công ty Sonadezi tại đề án “Khắc phục ô nhiễm môi trường, di dời KCN Biên Hòa 1” cho biết một số nhà máy trong KCN này hiện vẫn đang kế thừa cơ sở vật chất của các nhà máy cũ trước 1975 với các thiết bị, công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, năng lực sản xuất yếu kém dẫn đến không có khả năng tài chính để đổi mới công nghệ, vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường chưa được coi trọng. Việc này gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường KCN Biên Hòa 1 và đặc biệt còn gây ảnh hưởng đến môi trường của các khu dân cư lân cận tại P.An Bình và cù lao Hiệp Hòa.
Năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản giao cho Sonadezi, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Sonadezi đã phối hợp với các sở, ngành tiến hành thực hiện lập đề án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương thực hiện chuyển đổi chức năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu Đô thị - Dịch vụ - Thương mại hiện đại, văn minh nằm dọc bờ sông Đồng Nai. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án. Theo đó, lộ trình hoàn tất việc di dời KCN Biên Hòa 1 dự kiến kéo dài đến năm 2025 với tổng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di dời cho các DN dự kiến hơn 11.300 tỉ đồng.
Bình luận (0)