Đến khu di tích Bạch Đằng Giang (TT.Minh Đức, H.Thủy Nguyên) một ngày đầu xuân, chúng tôi ghi nhận cảnh tượng thật bất ngờ: hàng ngàn người xếp hàng trật tự để được ghi số và nhận các tấm vé gửi xe miễn phí. Trên bãi xe rộng mênh mông mới xây, hàng ngàn chiếc xe máy, ô tô xếp ngăn nắp và không hề có cảnh chen lấn, ồn ào.
Chị Nguyễn Thị Mai, một người Hải Phòng nhưng nay sống ở TP.Vũng Tàu, cho biết: “Tôi vừa đi chùa Hương và Yên Tử, không nơi nào được như ở nơi này, vừa an ninh, trật tự, vừa không hề có hàng quán lộn xộn”. Chị Vũ Thúy Ngà, một người vốn xuân nào cũng đi khắp các đình chùa ở TP.Hải Phòng để lễ lạt, nói: “Nhiều nơi thu vé gửi xe máy 10.000 đồng/chiếc nhưng ở đây lại miễn phí, thật là lạ”.
|
Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất của khu di tích này so với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác là tôn chỉ “3 không”: không mất tiền, không rác thải, không hàng quán. Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, một người đã đi gần hết các lễ hội, đình chùa ở miền Bắc, nhận xét: “Nơi đây có lẽ là di tích văn minh nhất trong số các di tích tương tự. Đặt chân vào đây, tôi mới cảm nhận đúng sự thanh tịnh, trang nghiêm cần có ở nơi di tích tâm linh”. Còn theo chị Nguyễn Phương Thanh, một du khách đến từ Quảng Ninh, thi thoảng cũng thấy có người trèo lên đá chụp ảnh, vứt rác thì ngay lập tức được người khác hoặc nhân viên khu di tích nhắc nhở nhẹ nhàng. “Nhà vệ sinh thì vô cùng sạch, luôn có nhân viên dọn dẹp. Thậm chí có cả nước nóng, nước uống miễn phí tại các điểm nghỉ chân”, chị Thanh ấn tượng.
Ông Vũ Đức Tâm, nguyên Phó tổng biên tập Báo An ninh Hải Phòng, là người địa phương, cho biết tôn chỉ “3 không” không hẳn được tất cả mọi người hưởng ứng. “Cũng có người không hào hứng đến lễ đền vì chẳng được làm công đức, không được đốt vàng mã, đặt lễ bằng tiền. Họ cho rằng không làm được những điều như thế thì chẳng có lộc. Nhưng tôi nghĩ đây là nét văn hóa mới nên động viên và khuyến khích người dân”, ông Tâm nói.
Dân tự nguyện tham gia quản lý
Khu di tích Bạch Đằng Giang cách trung tâm TP.Hải Phòng 20 km, nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, được nhà nước công nhận từ năm 1962. Nơi đây vốn có một ngôi miếu cổ thờ các vong linh tử sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên dòng sông Bạch Đằng, sau đó được một doanh nghiệp cùng nhiều nhà hảo tâm nâng cấp, tôn tạo. Từ cổng vào, chúng tôi thấy một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5 m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo. Đi sâu vào trong là các dãy bonsai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành, tiếp theo là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã tạo nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến đền Bạch Đằng Giang thời Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938. Ngôi đền cuối cùng trong tứ linh từ của di tích là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài tứ linh từ, khu di tích còn có đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Đặc biệt, từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) xây trên núi Tràng Kênh, du khách thấy được vẻ đẹp hữu tình của cả vùng Tràng Kênh. Mới đây nhất, khu di tích còn có thêm 3 pho tượng đồng tạc vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo, mỗi cái cao 11 m, đặt trên một quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là một bãi cọc lim mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng thuở trước… Từng công trình đều được chăm chút rất kỹ về thiết kế, bài trí.
Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng ban quản lý khu di tích, thì di tích được xây dựng bởi các nhà hảo tâm, trong khi việc duy trì các hoạt động khác như trông xe, dọn dẹp vệ sinh đều do người dân tự nguyện tham gia, như một hình thức công đức nên việc kinh doanh không đặt thành vấn đề.
Xác nhận điều ông Đức nói, ông Bùi Ngọc Khang, Phó chủ tịch UBND TT.Minh Đức, cho biết: “Chúng tôi không phải tham gia một việc gì, vì tất cả mọi thứ, từ vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở đấy đều ổn cả”. Còn ông Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng phòng Văn hóa H.Thủy Nguyên, nhìn nhận: “Đây là khu di tích đẹp cả về hình thức lẫn cách quản lý. Trong khi nhiều điểm di tích, văn hóa tâm linh đang “kinh doanh tín ngưỡng” một cách khá nhốn nháo thì đây là một điểm sáng, nên được nhân rộng”.
Theo Ban quản lý di tích, khu di tích mở cửa từ 7 - 19 giờ hằng ngày. Các lễ hội chính tại đây gồm có: mùng 6 tháng giêng: khai hội. 14 - 15 tháng giêng: khai ấn. 18 tháng giêng: giỗ vua Ngô Quyền. 8.3 âm lịch: giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng. 15.4 âm lịch: đại lễ Phật đản. 15.7 âm lịch: lễ Vu lan. 20.8 âm lịch: giỗ Đức thánh Trần (đại vương Trần Quốc Tuấn). Trong 10 ngày đầu năm Đinh Dậu, khu di tích đã đón trên 11 vạn du khách (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái), giữ miễn phí trên 6.000 ô tô, hơn 4 vạn xe máy. Từ năm 2008, đền Trần Hưng Đạo trong di tích đã phát ấn đền Trần theo quy trình ở Nam Định không lộn xộn mà nghiêm trang, trật tự. Năm nay, lễ phát ấn sẽ diễn ra vào tối 14 tháng giêng, tức ngày 10.2.
|
Bình luận (0)