(TNO) Sáng nay 7.4, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ hội Bà Triệu năm 2015 và đón bằng di tích quốc gia đặc biệt - di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật khu di tích Bà Triệu.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích Bà Triệu - Ảnh: Ngọc Minh
|
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và hàng vạn du khách trong cả nước đã tham dự buổi lễ.
Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh (được dân gian thường gọi là Triệu Trinh nương, vua Bà, Lệ Hải Bà vương) sinh ngày mồng 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) ở quận Cửu Chân (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngày nay).
Là người giỏi võ nghệ, có khí phách hiên ngang, kiên cường, Bà Triệu từng nói: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta".
Đền Bà Triệu - Ảnh: Ngọc Minh
|
Năm 246, Bà Triệu cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt lên đỉnh núi Nưa (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) mài gươm, luyện võ, dựng cờ chiêu nạp nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của giặc Ngô.
Cuộc khởi nghĩa đã gây được tiếng vang lớn, nhưng cuối cùng đã bị thất bại. Bà Triệu cùng nhiều tướng sĩ đã tuẫn tiết hy sinh tại núi Tùng (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vào ngày 21.2 năm Mậu Thìn (248).
Lễ hội Bà Triệu được tổ chức vào ngày 21.2 âm lịch hằng năm thu hút rất đông khách thập phương về tham dự - Ảnh: Ngọc Minh
|
Sau khi bà mất, người dân quanh vùng đã xây lăng mộ và làm đền thờ bà ở núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc để ghi nhớ công ơn cứu nước của vua Bà.
Đền thờ Bà Triệu liên tục được các vương triều phong kiến sau này trùng tu, xây dựng thành một quần thể uy nghi trang trọng.
Đây là công trình kiến trúc mang tính tâm linh, trong đó có nhiều di tích được bảo tồn khá nguyên vẹn, rất có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Đại Việt.
Bình luận (0)