Khu đô thị mới Đông Bắc: Điểm sáng cho sự phát triển Ninh Thuận

09/10/2017 08:00 GMT+7

Lấy cảm hứng từ kiến trúc hiện đại, Khu đô thị mới Đông Bắc được thiết kế dựa trên phối cảnh hài hòa, sang trọng tạo nên điểm nhấn mới, góp phần phát triển TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) theo hướng xanh - sạch - đẹp.

Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt
Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc (Khu K1) có diện tích hơn 60 ha do Công ty CP Thành Đông Ninh Thuận đầu tư, với tổng vốn hơn 1.000 tỉ đồng. Đây là dự án quan trọng phát triển hạ tầng đô thị nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
Với phương châm phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, Công ty CP Thành Đông Ninh Thuận đã ưu tiên 50% trên tổng diện tích 60 ha đất của dự án cho việc đầu tư xây dựng đường giao thông trong khu đô thị cùng với hàng loạt công trình công viên cây xanh, vườn hoa đã tạo nên không gian thông thoáng, xanh tươi giữa lòng phố thị.
Lợi thế của Khu K1 nằm ở vị trí đắc địa, ngay giữa trung tâm TP.Phan Rang-Tháp Chàm, phía đông là hồ sinh thái rộng hàng ngàn mét vuông, phía nam tiếp giáp quảng trường 16 Tháng 4, công viên cây xanh, phía tây và bắc là khu dân cư hiện hữu. Được thiết kế theo mô hình khu dân cư hiện đại, khép kín bao gồm hệ thống trường học, trung tâm mua sắm, khu biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật giải trí, bệnh viện, công viên… đồng bộ, Khu K1 đáp ứng đa dạng nhu cầu về nhà ở hiện đại cho người dân.
Hiện Công ty cổ phần Thành Đông Ninh Thuận đang trong giai đoạn gấp rút giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ dự án theo kế hoạch đã đề ra. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được số lượng lớn nhu cầu nhà ở của người dân theo hướng hiện đại, đồng bộ; góp phần vào mục tiêu chung “Xây dựng TP.Phan Rang-Tháp Chàm trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của tỉnh Ninh Thuận”.
Trên 94% hộ dân đã giao đất
Ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Năm 2010, UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) và đến năm 2011, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận cho phép Công ty CP Thành Đông Ninh Thuận đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới Đông Bắc trên tổng diện tích hơn 60 ha đất nông nghiệp của 989 hộ gia đình, cá nhân và 8 tổ chức thuộc hai phường Thanh Sơn và Mỹ Bình. UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ cho 978 hộ và 8 tổ chức, với tổng kinh phí 240 tỉ đồng/58,59 ha. Theo đó, có 882 hộ thuộc diện được giao đất ở (60 hộ được giao 60 lô đất tái định cư; chuyển đổi nghề 181 hộ/181 lô đất; 641/641 lô đất ở thuộc diện nhu cầu). Đến nay đã có 931 hộ và 8 tổ chức giao đất, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với tổng kinh phí 208,6 tỉ đồng/54,01 ha, đạt trên 94%; còn 58 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Về việc một số hộ dân phản ảnh: Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất mà doanh nghiệp tự thỏa thuận với người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án, trả lời các cơ quan truyền thông, ông Hậu cho biết: việc thu hồi đất phải dựa trên quy định pháp luật. Theo đó, năm 2007, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2007 - 2010 của TP.Phan Rang-Tháp Chàm. Năm 2009, UBND tỉnh ra quyết định về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng TP.Phan Rang-Tháp Chàm đến năm 2025. Tháng 3.2010, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Đông Bắc. Ngày 26.3.2010, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt hồ sơ đề xuất và chấp nhận chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Đông Bắc. Tại khoản 1, điều 4 luật Đất đai năm 2003 quy định: Nhà nước thu hồi đất để thực hiện vào mục đích phát triển kinh tế trong các trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Ngày 25.5.2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 181/2004/NĐ-CP và tại điểm b, khoản 2, điều 34, Nghị định 84 của Chính phủ quy định: Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trong khu vực mở rộng đô thị hiện có hoặc khu đô thị mới được thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Từ những căn cứ trên thì dự án Khu đô thị mới Đông Bắc thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định pháp luật.
Giải thích về những thắc mắc mà người dân cho rằng giá đền bù thấp (chỉ 60.000 đồng/m2 đất nông nghiệp) nhưng nhà đầu tư phân lô bán nền với giá từ 6 - 10 triệu đồng/m2, ông Hậu cho biết: đơn giá bồi thường đất được áp dụng tại thời điểm thu hồi, bồi thường về đất. Dự án này được triển khai, thu hồi đất từ năm 2010 đến nay, nên đơn giá bồi thường về đất được áp dụng theo từng thời điểm. Cụ thể: đối với các hộ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp tiếp giáp mặt đường Ngô Gia Tự, ngoài việc được bồi thường đất nông nghiệp với đơn giá từ 60.000 - 70.000 đồng/m2 còn được hỗ trợ 50% giá đất ở đường Ngô Gia Tự (1.750.000 - 2.640.000 đồng/m2) ở thời điểm thu hồi đất. Như vậy, đơn giá bồi thường, hỗ trợ 1 m2 đất nông nghiệp tùy vào vị trí đất bị thu hồi, với mức giá: 60.000 đồng + 1.750.000 đồng = 1.810.000 đồng/m2 hoặc 60.000 đồng + 2.640.000 đồng = 2.700.000 đồng/m2. Ngoài ra, đối với các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm. Mức hỗ trợ bằng 2 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi theo từng loại đất, vị trí đất. Tại dự án Khu đô thị mới Đông Bắc, UBND tỉnh đang thu tiền sử dụng đất đối với các lô đã có hạ tầng kỹ thuật với diện tích tương đương là 4.000.000 - 5.000.000 đồng/m2. Trong khi đó, các hộ đủ điều kiện được giao đất diện nhu cầu theo quy định hoặc bị thu hồi trên 300 m2 đất nông nghiệp (không trực tiếp sản xuất nông nghiệp) được giao 1 lô đất ở theo diện nhu cầu chỉ với đơn giá 1.500.000 đồng/m2; giao đất ở diện chuyển đổi nghề, với giá 1.100.000 đồng/m2. Như vậy, ngoài chi phí đền bù - hỗ trợ, người dân còn được hỗ trợ 2.500.000 - 3.900.000 đồng/m2.
Tại điều 12, Nghị định số 2/2006/NĐ-CP ngày 5.1.2006 của Chính phủ, quy định về quyền của chủ đầu tư dự án khu đô thị mới: Được kinh doanh các công trình hạ tầng và bất động sản theo quy định pháp luật, trừ các công trình hạ tầng phải chuyển giao đã được quy định trong quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư; được chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê lại đất phù hợp với dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai và tại khoản 7 điều 4 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14.1.2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, quy định: UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Theo ông Hậu, thực hiện quy định trên, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, chấp thuận những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt. Trên cơ sở tổ chức kiểm tra, giám sát các ngành chức năng, UBND tỉnh chấp thuận cho chủ đầu tư dự án được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đối với khu vực đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để kinh doanh các công trình hạ tầng và bất động sản theo quy định của pháp luật và giá thỏa thuận theo nhu cầu của thị trường. Đơn giá chuyển quyền sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án phải đảm bảo công trình xây dựng, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.