Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ì ạch thu hút đầu tư

09/05/2013 03:30 GMT+7

Sau hơn 10 năm triển khai, khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) rộng 657 ha vẫn chưa xong việc giải phóng mặt bằng, hệ thống hạ tầng kết nối được triển khai quá chậm, giá đất cao… khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ì ạch thu hút đầu tư

Thủ Thiêm chưa thu hút được các nhà đầu tư-  Ảnh: Đình Sơn

Đó là những thông tin đưa ra tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm do Trung tâm xúc tiến thương mại - đầu tư, Hiệp hội Bất động sản (Horea) và Ban Quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới (BQL) Thủ Thiêm tổ chức ngày 8.5 với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư Úc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc…

Hạ tầng được đầu tư quá chậm

 

Chỉ mới có 9 dự án nghiên cứu đầu tư

Theo ông Trang Bảo Sơn, đến nay Thủ Thiêm đã có 9 dự án có chủ trương của TP cho phép nghiên cứu đầu tư, 6 dự án đã có NĐT quan tâm. TP cũng đang kêu gọi đầu tư vào 4 dự án là dự án thành phần khu trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng quốc tế rộng khoảng 93 ha; khu chức năng số 3, 4 rộng khoảng 84 ha; công viên phần mềm Thủ Thiêm 15,9 ha; khu trung tâm thể thao giải trí đa năng rộng 39 ha.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, đến nay Thủ Thiêm vẫn chưa thu hút được đầu tư do hệ thống hạ tầng trục chính chưa hoàn chỉnh. Hiện chỉ mới có một tuyến đường chính chạy qua dự án là đại lộ Mai Chí Thọ, cầu và hầm Thủ Thiêm kết nối vào dự án. Bên cạnh đó, theo đại diện một công ty bất động sản tại TP.HCM, giá đất của nhà nước ở khu đô thị này quá cao, hiện khoảng 2.700 USD/m2, là trở ngại lớn nhất khiến các nhà đầu tư (NĐT) nản lòng.

Nhằm trấn an NĐT, ông Trang Bảo Sơn, Phó BQL Thủ Thiêm, cho biết trong vòng 3 năm nữa, khu đô thị này sẽ hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính. Cầu Thủ Thiêm 2 đi từ đường Tôn Đức Thắng (Q.1) qua khu trung tâm Thủ Thiêm dự kiến cuối năm 2013 sẽ khởi công theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Các cầu khác còn lại Thủ Thiêm 3, 4 phải phụ thuộc vào việc di dời hệ thống cảng biển nên sau năm 2020 mới có thể triển khai. Ngoài ra, cầu bộ hành nối từ Q.1 vào Thủ Thiêm đã có chủ trương cho một NĐT xây dựng, tuy nhiên do ý tưởng thiết kế chưa phù hợp nên TP đang chọn NĐT khác. 

Trưởng BQL Thủ Thiêm Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết trong tháng 6 tới đây, TP sẽ tiến hành ký hợp đồng xây dựng hệ thống hạ tầng theo hình thức BT. Ngoài ra, TP sẽ triển khai tuyến metro số 2 từ Bến Thành đi qua sông Sài Gòn vào Thủ Thiêm. Các mạng tuyến xe buýt đối nội và đối ngoại, các loại phương tiện hiện đại giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuyến đường xe điện cao cấp từ Thủ Thiêm đi đến sân bay Long Thành cũng sẽ được triển khai.

Cần có chính sách ưu đãi

Ông Võ Sỹ Nhân, đại diện Công ty Tiến Phước, chủ đầu tư dự án khu phức hợp tháp quan sát ở Thủ Thiêm, đề xuất TP cần nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ NĐT, trước hết là chính sách miễn giảm thuế. Nguyên Phó chủ tịch UBND TP, ông Vũ Hùng Việt, cho rằng TP nên chia các giai đoạn ưu đãi cho NĐT. Giai đoạn đầu đối với các NĐT tiên phong, chịu nhiều rủi ro, TP nên giao đất với giá ưu đãi, chỉ khoảng trên dưới 1.000 USD/m2; giai đoạn hai là giao đất huề vốn; các giai đoạn sau, khi khu đô thị đã ổn định sẽ giao đất giá cao.

Trước những than phiền của doanh nghiệp về giá đất, ông Trang Bảo Sơn phân trần: Giá đất cao do áp theo chính sách. Hiện UBND TP đang giao cho BQL và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất một chính sách hợp lý để mời gọi đầu tư tốt và hiệu quả hơn. Những NĐT tiên phong có uy tín và tiềm lực sẽ được hưởng chính sách khuyến khích hợp lý trong đó có vấn đề giá đất.

Đình Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.