Ngày 13.3, PV Thanh Niên trở lại KDL thác Prenn (P.3,TP.Đà Lạt), điều dễ nhận thấy là cổng chính vào thác ngay dưới chân đèo Prenn không còn tên "Khu du lịch thác Prenn" như trước đây mà được thay bằng tên "Tea Resort Prenn", rất xa lạ.
Từ "Thác Prenn" thành "Tea Resort Prenn"
Theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, thác Prenn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1998, cùng với thác Cam Ly (Đà Lạt).
Điểm độc đáo, do cấu tạo địa hình nên người dân và du khách có thể trải nghiệm đi xuyên giữa lòng thác Prenn để lắng nghe âm vang của đại ngàn và tận hưởng không khí mát lạnh, trong lành.
KDL thác Prenn trước thuộc quyền quản lý, khai thác của Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Đà Lạt. Năm 2002, nơi đây đã đầu tư xây dựng đền thờ Âu Lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng nhìn xuống thác Prenn.
Hằng năm, vào ngày giỗ tổ Vua Hùng, tỉnh Lâm Đồng đều chọn nơi đây để tổ chức dâng hương và các nghi lễ tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Tuy nhiên, từ vài năm qua, KDL thác Prenn được Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Đà Lạt cùng Chi nhánh Công ty cổ phần Sandals nâng cấp, mở rộng. Diện tích của KDL này được mở rộng, kéo dài xuống địa phận xã Hiệp An, H.Đức Trọng (Lâm Đồng).
Từ tháng 9.2023, KDL vừa được mở rộng này đưa vào khai thác và bị đổi tên thành "Tea Resort Prenn" khiến nhiều người Đà Lạt và du khách bất ngờ. Nơi đây có nhiều sản phẩm du lịch mới khá xa lạ với người dân phố núi Đà Lạt như: bãi biển nhân tạo, sông lười, tổ hợp giải trí cảm giác mạnh và hệ thống resort nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao.
Theo ông Nguyễn Hữu Tranh (84 tuổi), người có nhiều năm nghiên cứu về Đà Lạt, thác Prenn là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt, nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, độc đáo đã đi vào tâm thức người Đà Lạt và du khách. "Vừa rồi có dịp đi ngang qua tôi thấy KDL thác Prenn thay đổi nhiều quá, nhìn rất lạ. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy sự phát triển, lo vì dòng thác Preen xưa chỉ còn là thứ yếu của KDL này. Theo tôi, dù có mở rộng, tạo thêm sản phẩm du lịch chăng nữa cũng không thể làm sai lệch tên gọi của danh lam thắng cảnh nổi tiếng này".
Tự ý đổi tên là chưa đúng theo quy định pháp luật
Liên quan đến vấn đề trên, PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi với ông Trần Thanh Hoài, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, về việc Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Đà Lạt đổi tên Thác Prenn thành "Tea Resort Prenn" có được phép từ cơ quan có thẩm quyền?
Ông Hoài cho biết đến thời điểm này, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng chưa nhận được văn bản nào của doanh nghiệp nói trên về việc đổi tên. Ông Hoài thông tin thêm, theo luật Di sản văn hóa hiện hành thì chưa có điều nào đề cập đến việc thay đổi tên di tích danh lam thắng cảnh. "Thác Prenn được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia, do đó, nếu chủ đầu tư muốn thay đổi tên thì cấp có thẩm quyền cho phép thay đổi phải là cấp bộ", ông Hoài nói và cho biết đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ kiểm tra lại thông tin việc đổi tên thác Prenn cùng hoạt động liên quan.
Phía Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Đà Lạt nói gì?
Ngày 13.3, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Đà Lạt thừa nhận đơn vị thay đổi tên từ “Khu du lịch thác Prenn” thành “Tea Resort Prenn”. Khi PV Thanh Niên hỏi công ty có xin phép cơ quan chức năng không, vị đại diện nói chắc chắn có giấy phép, là giấy kinh doanh Tea Resort mới dám xây dựng khu ngủ nghỉ và các hoạt động vui chơi... Sau đó, vị đại diện trên cung cấp Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh do Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 17.11.2023 ghi rõ tên chi nhánh: Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Đà Lạt - Khu du lịch thác Prenn; tên chi nhánh viết tắt là: Chi nhánh Tea Resort Prenn. Song, đây chỉ là giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh chứ không phải giấy phép đổi tên từ thác Prenn thành Tea Resort Prenn.
Xung quanh việc đổi tên danh lam thắng cảnh thác Prenn, theo luật sư Trương Phúc Ân (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng), căn cứ Nghị định 91/2005/NĐ-CP (vẫn còn hiệu lực) về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí), tại Điều 5 ghi rõ: "Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ".
Cũng theo luật sư Ân, tại Điều 17, Nghị định 91 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ thành lập hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn (Hội Khoa học lịch sử, Hội Văn học nghệ thuật... ), các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQVN, các đoàn thể và các nhà khoa học. Cần công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi UBND tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp tại các kỳ họp thường kỳ hằng năm.
"Do đó, muốn đổi tên di tích thắng cảnh quốc gia thác Prenn, UBND tỉnh Lâm Đồng phải có tờ trình (sau khi có ý kiến của Bộ VH-TT-DL) và được HĐND tỉnh Lâm Đồng xem xét, ra nghị quyết đổi tên", luật sư Trương Phúc Ân nói.
Ngày 13.3, một thành viên Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định chủ đầu tư KDL thác Prenn muốn đổi tên thác Prenn thành Tea Reasot Prenn phải có sự đồng ý của UBND tỉnh Lâm Đồng, của Bộ VH-TT-DL (vì thác Prenn là di tích thắng cảnh quốc gia), trước khi UBND tỉnh có tờ trình HĐND tỉnh xem xét. Vị này cho biết thêm, đến thời điểm này HĐND tỉnh Lâm Đồng chưa nhận được văn bản nào từ UBND tỉnh về việc đổi tên thác Prenn. Do đó, việc chủ đầu tư sau khi nâng cấp, mở rộng và tự ý đổi tên thác Prenn thành Tea Reasort Prenn là chưa đúng theo quy định pháp luật.
Nhiều sai phạm trong xây dựng mở rộng thác Prenn
Như Thanh Niên đã phản ánh, đầu năm 2024, các cơ quan chức năng TP.Đà Lạt và H.Đức Trọng phát hiện nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép tại dự án mở rộng, nâng cấp KDL thác Prenn.
Cụ thể, ngày 10.1, qua kiểm tra, Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ thi công 10 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó có 6 công trình bungalow có giấy phép xây dựng nhưng xây sai vị trí. Các công trình xây dựng không phép chủ đầu tư đã tự nguyện tháo dỡ.
Đến ngày 15.1, UBND TP.Đà Lạt đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền 240 triệu đồng đối với Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Đà Lạt về các hành vi vi phạm hành chính trong xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp và bản vẽ thiết kế được duyệt tại khu vực trên. Về phía H.Đức Trọng, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và đình chỉ thi công nhiều công trình xây dựng sai phép và 14 hạng mục công trình không có giấy phép xây dựng.
Trước những sai phạm trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo UBND TP.Đà Lạt và H.Đức Trọng yêu cầu Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Đà Lạt dừng ngay việc thi công các công trình, hạng mục công trình xây dựng không phép, sai phép tại dự án mở rộng, nâng cấp KDL thác Prenn; không để phát sinh các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng; kịp thời lập hồ sơ, thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)