Khu du lịch vừa được khai trương sau tết Nhâm Thìn, tọa lạc trên khu đất rộng hơn 2,6 ha sát biển Cần Giờ do ông Phan Chánh Tâm (Ba Vạn - Giám đốc Công ty TNHH-TM Thiên Vạn Sài Gòn) mua từ năm 1990, và đã tốn nhiều công sức cải tạo. Đến nay, khu đất hoang vu này đang “lột xác” từng ngày.
Ông Ba Vạn vốn được giới sưu tầm đá quý trong nước tôn vào bậc “đại gia”, bởi ông không chỉ rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sưu tầm, kinh doanh đá quý mà còn là sở hữu một bảo tàng đá quý tư nhân lớn nhất Việt Nam (ở số 6 Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM), nên ông cũng có đủ tiềm lực để mua cả trăm xe cát trắng (vùng Cam Ranh, Nha Trang) về đổ lên bãi biển và khu đất của mình để thay thế lớp cát pha bùn đặc trưng của biển Cần Giờ.
Ông Ba Vạn đã cho trưng bày ngoài trời khoảng 30 khối đá quý có trọng lượng từ 300 kg đến 3.000 kg (dự kiến sẽ chuyển về đây thêm khoảng 70 khối đá quý nữa). Những khối đá này đã được bóc tách phần vỏ thô bên ngoài để hiển lộ khối ngọc bên trong. Đặc biệt, có khối gỗ hóa thạch (fossil) đường kính lên đến gần 2m, nặng trên 3 tấn. Trên mặt cắt phẳng lì màu đen tuyền của phiến hóa thạch này, hiện lên từng thớ, vân gỗ màu trắng rất đẹp.
Ở chính giữa vườn đá, đặt trên bệ cao là tượng Phật ngọc đa sắc nguyên khối (chalcedony) cao đến 3,2m. Ông Ba Vạn rất tự hào về tượng Phật này bởi đây là tượng Phật nguyên khối cao nhất có xuất xứ từ trong nước (đã có tượng Phật tổ ngồi làm từ đá cẩm thạch (nephrite) cao 1,6m xuất xứ từ Canada). Phía bên phải của khu trưng bày là một hồ nước nhân tạo rộng 1 ha, giữa hồ cũng có một đài cao đặt tượng Phật Quan âm bằng mã não cao đến 6m (cả phần chân tượng) do điêu khắc gia Thụy Lam thực hiện.
Hỏi sao ông lại liều lĩnh trưng bày đá quý khơi khơi ngoài trời như thế, ông Ba Vạn cười: “Không việc gì phải sợ! Với trọng lượng của các khối đá như thế, bọn trộm phải sử dụng xe cẩu!”.
Bài, ảnh: Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)