Năm 2009, hàng trăm hộ dân tại TT.Đăk Hà và xã Đăk Mar (H.Đăk Hà) đã phải di dời để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Pleikrông. Để người dân ổn định cuộc sống, tỉnh Kon Tum quy hoạch khu tái định cư tại xã Đăk Long với diện tích 690 ha. Dự án được giao cho UBND H.Đăk Hà làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng 149 tỉ đồng. Dự án này được thi công trong giai đoạn từ năm 2009 - 2018 với mục tiêu đảm bảo đời sống cho 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu.
Thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất khiến người dân không muốn đến khu tái định cư |
ĐỨC NHẬT |
Đến nay dự án đã hoàn thành việc quyết toán. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục hộ dân chưa đến tái định cư vì nhiều nguyên nhân. Người dân tại đây cho biết lý do khiến số hộ dân còn lại chưa chuyển về sinh sống là vì có ít đất sản xuất. Ngoài ra, tiền hỗ trợ xây nhà quá thấp nên người dân không thể xây nhà hoàn chỉnh.
Theo ông A Đen (41 tuổi), gia đình ông chuyển đến đây sinh sống hơn 10 năm qua. Khu tái định cư nằm trên một mỏm đồi nên vào mùa khô, gió thổi mạnh gây tốc mái nhiều ngôi nhà. Ngoài ra, khu tái định cư nằm trên nền đất yếu nên rất dễ sạt lở. “Khu tái định cư xây dựng trên nền đất mượn. Cứ đến mùa mưa, khu vực phía sau lại sạt lở. Bởi vậy nhà tôi bị nứt cả hai bên tường. Con đường nhựa phía trước nhà cũng có vết nứt dài hàng chục mét”, ông A Đen nói.
Không chỉ đối mặt với nỗi lo sạt lở, người dân nơi đây còn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Theo tìm hiểu của phóng viên, khu tái định cư này có 34 giếng đã đào, nghiệm thu nhưng có đến 31 giếng không có nước. Theo bà Y Mít (40 tuổi), để có nước ăn uống, gia đình bà phải đến điểm lấy nước tập trung cách nhà 3 km. Do nguồn nước có hạn nên gia đình bà cũng như nhiều hộ thường phải tắm giặt ở “giọt” nước (điểm lấy nước chung của làng - PV). Theo bà Mít, hai hộ dân tại đây phải dùng chung một giếng nước. Vào mùa khô giếng cạn nước phải bơm 4 - 5 tiếng đồng hồ mới đầy bồn chứa. Cũng đã có trường hợp máy bơm bị cháy do phải bơm nước trong thời gian dài. “Lên đây ở, đất sản xuất thì ít, nước sinh hoạt thì thiếu khiến người dân chúng tôi rất khổ sở. Cũng vì thiếu nước sinh hoạt nên nhiều gia đình khác không muốn chuyển lên khu tái định cư này”, bà Mít nói.
Tình trạng sạt lở khiến nhà ông A Đen bị nứt |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND H.Đăk Hà, cho hay hiện huyện đã khoan thêm 2 giếng nước để phục vụ người dân. Trong thời gian tới, huyện sẽ lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, khoan thêm giếng nước để người dân ổn định cuộc sống. “Huyện đã xây dựng một khu vực bố trí đất canh tác cho bà con ở xã lân cận. Tuy nhiên người dân vẫn chưa đồng ý đến đó canh tác. Ban quản lý dự án đầu tư huyện đã tiến hành trồng cỏ phía sau khu tái định cư để khắc phục tình trạng sạt lở. Đối với những căn nhà bị nứt, huyện đang lồng ghép các chương trình để hỗ trợ người dân khắc phục”, ông Tiến nói.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Kon Tum, tổng quan chung, dự án không đạt hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội. Trong đó một số chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân chưa thực hiện; phần lớn giếng đào không có nước; diện tích đất sản xuất bình quân giao cho mỗi hộ còn thấp so với mục tiêu nên rất khó khăn cho phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài của hộ dân.
Thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum sẽ chỉ đạo UBND H.Đăk Hà tiếp tục tuyên truyền, vận động số hộ còn lại di dân lên khu tái định cư. Đồng thời thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống tại khu tái định cư Pa Cheng.
Bình luận (0)