Khu vực giếng từng là ổ dịch tả

14/04/2009 00:36 GMT+7

Ngày 13.4, Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết liên tiếp 2 năm 2002 và 2003, tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, nơi có "giếng thần" chữa bệnh, từng bùng phát dịch tả. Mùa nắng nóng năm 2003, xã Hòa Liên chiếm 9 ca trong tổng số 14 ca dương tính với dịch tả toàn huyện Hòa Vang.

Cũng trong ngày 13.4, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng 2 lần đến lấy mẫu nước giếng ở khu vực miếu ông Hổ, thôn Trường Định về xét nghiệm. Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm vi sinh và lý hóa, để kiểm tra các chỉ tiêu: mật độ vi sinh vật, độ pH, mật độ kim loại nặng, chất hữu cơ trong nước... có đạt chuẩn cho phép của Bộ Y tế hay không. Trong 2 - 3 ngày nữa, trung tâm sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về chất lượng nguồn nước này.  

Trước tình trạng rất nhiều người dân uống trực tiếp nước giếng, thạc sĩ - bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cảnh báo: "Nguồn nước nằm sát bờ sông, khu vực này lại tập trung đông người và không có nhà vệ sinh riêng nên rác, chất thải vệ sinh của người dân hoàn toàn có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Đó là chưa kể người dân chờ đợi để múc nước trong thời tiết nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại sẽ khiến nguồn nước nhiễm vi sinh.

Uống nước chữa bệnh thì chưa thấy, chỉ thấy nguy cơ bệnh về đường tiêu hóa". Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cũng nhận định: "Nếu giếng đào có độ sâu hơn 10m thì mới hợp vệ sinh phục vụ cho sinh hoạt, còn giếng khơi ở khu vực nói trên quá cạn, không đảm bảo an toàn nếu không đun sôi, nấu chín".

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.