Khu vườn trĩu quả, nhà trồng nấm chục triệu của cô gái khởi nghiệp 9X

Tấn Đạt
Tấn Đạt
02/05/2021 15:25 GMT+7

Khu vườn với giàn bầu trĩu quả cùng nhà trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao là thành quả của cô gái 9X dám từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm để khởi nghiệp.

Vào đầu tháng 5, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà của chị Mai Thị Ánh Xuân (30 tuổi) ở tỉnh Bến Tre và không khỏi bất ngờ trước khu vườn với giàn bầu cao gần 3 mét, trĩu quả . Bên cạnh đó,  chị Xuân còn sở hữu 3 nhà trồng nấm rộng 216 mét vuông, với nhiều loại nấm như bào ngư, rơm, hoàng kim…

Từ nhân viên kế hoạch đến khởi nghiệp trồng nấm

Để đạt được những thành quả trên, Xuân cho biết cô đã bắt đầu khởi nghiệp từ 4 năm trước. "Sau 7 năm làm nhân viên kế hoạch cho một công ty gần nhà, tôi cảm thấy công việc nhàm chán, chưa kể đồng lương hạn hẹp. Vào năm 2017, tôi quyết định khởi nghiệp, gầy dựng khu vườn nhỏ trồng nhiều loại rau củ và lập trại nấm với số tiền tiết kiệm ít ỏi cùng sự giúp sức của gia đình. Lúc đó, tôi chưa dám nghỉ việc vì sợ thất bại”, Xuân chia sẻ.
Trong suốt 4 năm qua, cô vừa làm việc công ty và vừa làm nông tại gia. Mãi đến tháng 4.2021, cô mới nghỉ việc hoàn toàn để chuyên tâm vào khu vườn khởi nghiệp.

Xuân khởi nghiệp với nấm bào ngư

Ảnh: Tấn Đạt

“Lúc đầu tôi chọn nấm bào ngư vì chúng dễ trồng và được nhiều người dân ưa chuộng. Tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu kỹ thuật và quy trình trồng nấm”, Xuân kể.

Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cô gái 9x vẫn “bị thương” khi khởi nghiệp với nấm. “Ban đầu tôi dùng cột kê (tức cột bằng cây dừa rồi kê gạch) để treo gần 5.000 bịt phôi nấm, nặng gần 7 tấn. Sau đó, bão đến, gió mạnh làm sập nhà trồng nấm và tôi may mắn chạy thoát", Xuân nhớ lại.

Tuy nhiên, cô quyết không bỏ cuộc và nhờ anh em trong nhà cùng hàng xóm hỗ trợ dọn dẹp và xây lại nhà trồng nấm. "Tôi rút ra kinh nghiệm xương máu là làm nhà trồng nấm bằng sắt và kệ sắt thay vì bằng cột kê”, Xuân nói.

Theo Xuân, nấm có thể trồng quanh năm trong nhà và cô thường ươm phôi nấm khoảng 2 tháng sẽ có thu hoạch.
"Quan trọng nhất là tôi phải thức khuya hái nấm vì khung thời gian này có độ ẩm cao, lúc đó nấm phát triển tốt. Trồng nấm bào ngư là dễ nhất vì tôi có thể kiểm soát thời gian phát triển của nó bằng việc đóng và mở nắp bịch", Xuân chia sẻ bí quyết. 
“Mỗi vụ nấm sẽ cho ra 5.000 phôi (gần 1.000 kg), thu về 15-20 triệu. Tôi cũng bán giống cho những bạn muốn trồng thử nghiệm. Trong tương lai, tôi hướng đến cung cấp nấm cho quán ăn, nhà hàng và siêu thị…”, Xuân nói. 

Chị Xuân thu về hơn chục triệu đồng mỗi tháng từ các loại nấm

Ảnh: Tấn Đạt

Khu vườn trĩu quả 

Ngoài các nhà trồng nấm, mỗi ngày Xuân đều chăm sóc khu vườn rau sạch trước nhà gần 40 mét vuông với nhiều loại như bầu, bí, cải xanh, cải dún, củ cải trắng, mướp…
Nhìn những quả bầu căng mướt, Xuân cho hay trồng quả này khá dễ, chỉ cần chăm tưới nước sáng, chiều và thỉnh thoảng thì có bón phân NPK, ít phân đạm là cây cho ra trái tốt. Theo Xuân, loại quả này tầm 2 tháng sẽ cho trái 1 lượt, và mỗi lần cô hái gần 200 trái, ăn được 2 đến 3 tháng.

Giàn bầu trĩu quả

Ảnh: Tấn Đạt

Góc vườn an yên

Ảnh: Tấn Đạt

Những trụ rau thủy canh xanh tươi

Ảnh: NVCC

Rau "khổng lồ" tại nhà chị Xuân nhờ trồng phương pháp thủy canh

Ảnh: Tấn Đạt

Chia sẻ bí quyết trồng rau thủy canh, Xuân nói: “Tôi tưới rau bằng nước thủy canh (dung dịch thủy canh) 1 tuần/ 1 lần. Còn nước bình thường thì 2-3 lần tưới trong ngày nếu trời mưa thì khỏi cần tưới. Cây phát triển tầm 10 đến 15 ngày thì bắt sâu. Rau thủy canh hấp thụ ánh sáng mặt trời để quang hợp, ánh sáng càng mạnh, sân nhà nhiều nắng thì rau phát triển càng tốt”. 

Nông sản tại vườn chị Xuân

Ảnh: NVCC

Những quả buổi nặng trĩu

Ảnh: Tấn Đạt

“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi tự tay chăm sóc khu vườn của riêng mình và hái nông sản sạch chế biến thức ăn cho gia đình", Xuân nói. Đối với nữ nông dân khởi nghiệp 9X, đây mới là một cuộc sống tự do tự tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.