Vừa bị mất tài sản lại bị vướng vào vòng lao lý, bà Nguyễn Thị Hoài Anh đã đem đơn kêu oan khắp nơi nhưng không được xem xét.
Như Thanh Niên số ra ngày 10.9.2012 đã đăng tải về một vụ án lạ ở Tiền Giang nói đến trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV C&A (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), sau thương vụ chuyển giao tài sản gồm toàn bộ nhà xưởng và thiết bị máy móc cho bà Phạm Thị Ngọc Lành (Việt kiều Úc) không thành đã phát sinh tranh chấp. Bà Anh không những bị mất hết tài sản mà còn bị bắt giam gần 11 tháng trời về tội danh trốn thuế. Từ đó đến nay, sau khi tòa hoãn xử do thiếu căn cứ luận tội; vụ án dần rơi vào quên lãng, bà Hoài Anh vẫn cứ là thân phận bị can, bị hạn chế một số quyền công dân, làm ăn sinh sống khó khăn, nhọc nhằn.
|
Kết luận điều tra mâu thuẫn
Tại Kết luận điều tra số 149/KLĐT ngày 2.8.2010 của Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khẳng định: “Từ khi mua tài sản cho đến nay, Phạm Thị Ngọc Lành chỉ thanh toán cho Nguyễn Thị Hoài Anh được 8 tỉ đồng, hiện còn nợ số tiền 4,8 tỉ đồng. Trách nhiệm nộp thuế là của Phạm Thị Ngọc Lành, do Phạm Thị Ngọc Lành không thanh toán tiền thuế và còn nợ tiền mua bán tài sản nên Nguyễn Thị Hoài Anh chưa xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho Công ty Úc Việt (công ty của bà Lành - PV)...”. Sau đó, kết luận đưa ra số tiền thuế phải nộp trong thương vụ này là 711.680.000 đồng (trong đó có 640 triệu đồng là thuế GTGT và 71.680.000 đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp). Dù xác định trách nhiệm nộp thuế là của bà Lành nhưng cuối cùng, Cơ quan CSĐT lại đưa ra kết luận bà Nguyễn Thị Hoài Anh phạm tội trốn thuế. Cần nói thêm là trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa đôi bên đã thống nhất ghi rõ là thuế và phí do bên mua (bà Lành) nộp.
Việc quy kết bà Anh trốn thuế tại kết luận điều tra nói trên càng rõ ràng là bất hợp lý khi tại Kết luận điều tra bổ sung số 206/KLĐT ngày 10.11.2010 cũng của Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho đã khẳng định bà Anh không trốn thuế. Kết luận nêu rõ: “Ngoài ra, theo hợp đồng mua bán tài sản giữa Công ty C&A và Công ty Úc Việt ký ngày 22.3.2008, tại điều 5 có ghi nhận: thuế và lệ phí liên quan đến việc mua bán tài sản theo hợp đồng này do bên B (Công ty Úc Việt) chịu trách nhiệm nộp... Như vậy, về mặt khách quan thì không có việc trốn thuế xảy ra với hợp đồng ngày 22.3.2008, việc làm này chứng tỏ bị can Hoài Anh không có thủ đoạn gian dối để trốn thuế; Về mặt chủ quan, bị can Hoài Anh không cố ý thực hiện hành vi trốn thuế hợp đồng này. Vì vậy, bị can Hoài Anh không phạm tội trốn thuế... nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này của bị can Hoài Anh là có căn cứ pháp luật. Quan điểm này của Công an TP.Mỹ Tho đã được thống nhất tại cuộc họp liên ngành thành phố vào ngày 5.10.2010”.
Chưa thực hiện đúng quy trình mà đã quy trốn thuế
Về giao dịch giữa bà Hoài Anh (Công ty C&A) và bà Ngọc Lành (Công ty Úc Việt), Kết luận điều tra cũng ghi rõ: “Lẽ ra, khi biết việc mua bán của 2 công ty này, thuế chưa thu được thì cục thuế cần phải tiến hành đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, ấn định thời hạn nộp thuế. Nhưng trên thực tế, cục thuế đã không thực hiện những biện pháp nghiệp vụ luật định... Trong khi đó, vào ngày 5.6.2008 ngành thuế lại cho phép bà Ngọc Lành lập thủ tục đóng thuế trước bạ để sang tên toàn bộ tài sản Công ty C&A cho bà Ngọc Lành đứng tên. Đây là một việc làm không đúng pháp luật của ngành thuế...”.
Dù Cục Thuế Tiền Giang chưa thực hiện các bước quy trình đối với pháp nhân có trách nhiệm khai, nộp thuế nhưng Cơ quan CSĐT vẫn vội vàng xác định bà Hoài Anh phạm tội trốn thuế và ra lệnh bắt giam bà Anh gần 11 tháng trời rồi vòng vo đưa ra kết luận phạm tội trốn thuế (Theo kết luận điều tra bổ sung, số tiền trốn thuế được xác định chỉ còn 183.480.000 đồng). Ngày 26.11.2010, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã hoàn tất cáo trạng truy tố bà Anh về hành vi trốn thuế theo khoản 1 điều 161 bộ luật Hình sự. Tuy nhiên sau đó phiên tòa xét xử bị hoãn lại và vụ án bị “chìm” cho đến nay. (Còn tiếp)
Liên quan đến quy trình của ngành thuế, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: “Nếu ngay sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng tài sản mà người nộp thuế không tới kho bạc nộp tiền, căn cứ số ngày chậm nộp, kho bạc tiến hành phạt. Trong thời hạn 90 ngày, cơ quan thuế cũng sẽ tiến hành 7 bước quy trình theo quy định như thông báo chậm nộp, đôn đốc, nhắc nhở... Sau thời hạn này thì cơ quan thuế mới tiến hành cưỡng chế thu hồi”. Thái Sơn |
Hải Nam
>> Năm 2013, ngành thuế sẽ thanh tra 8.747 doanh nghiệp
>> Ngành thuế sẽ liên tục cải cách hành chính
>> Bất thường tại một tiệm vàng ở Cà Mau: Yêu cầu ngành thuế cung cấp dứt điểm tài liệu liên quan
Bình luận (0)