Thể thao thế giới tồn tại không ít môn thi đấu dưới nước nhưng nói về độ “quái” thì Underwater hockey (khúc côn cầu dưới nước) giữ vị trí số 1.
Quần thảo quyết liệt dưới đáy hồ - Ảnh: www.redbulletin.com
|
Nó cũng giữ vị trí số 1 về độ khó bởi diễn ra dưới đáy hồ, người thi đấu không những phải bơi tốt, lặn giỏi mà còn cần khả năng nín thở.
Khúc côn cầu dưới nước ra đời rất tình cờ trong hoàn cảnh chẳng liên quan gì đến thể thao. Số là vào năm 1950, Hải quân Anh thường bày ra cách vừa tập luyện vừa chơi kiểu gần giống khúc côn cầu trên băng ở dưới nước để giúp lính lặn cải thiện khả năng di chuyển và làm nhiệm vụ hiệu quả dưới mặt nước. Đến năm 1954, Underwater hockey (còn được gọi với cái tên
Octopush) mới chính thức được xem như môn thể thao sau khi ông Alan Blake thành lập CLB đầu tiên là Southsea Sub-Aqua ở Anh. Khúc côn cầu dưới nước sau đó được hưởng ứng nhiệt tình bởi sự kết hợp hài hòa giữa những kỹ năng của môn bơi lội và lặn, trong khi hình thức thi đấu lai tạp giữa khúc côn cầu trên băng và bóng rổ. Cả nam và nữ đều có thể tham gia môn này, chỉ cần có sức chịu đựng tốt trước thách thức nín thở một thời gian nhất định dưới nước. Họ được trang bị vây, mặt nạ, ống thở, một chiếc găng tay bảo vệ làm bằng cao su, khăn trùm đầu và một gậy nhỏ dài khoảng 30 cm để điều khiển puck (tương tự bóng khúc côn cầu trên băng) nặng từ 1,3 - 1,5 kg được bọc nhựa nhằm tạo ma sát dưới đáy hồ thi đấu.
Các trận đấu khúc côn cầu dưới nước thông thường diễn ra tại hồ bơi với kích thước dài 25 m, rộng 12 m, đạt độ sâu từ 2 - 4 m và 2 đầu được gắn 2 khay kim loại có chiều dài 3 m. Khán giả của môn thể thao lạ lùng này sẽ xem từ trên mặt hồ hoặc thưởng thức trực tiếp trên màn hình được ghi bởi máy quay hay chứng kiến cận cảnh tại những bể bơi thiết kế mặt gương.
Trận chiến của “cầu thủ cá”
Mỗi trận đấu khúc côn cầu dưới nước đều đem lại sự hứng khởi và thu hút sự tò mò của người xem bởi cách chơi “có một không hai”. Hai đội lội xuống nước, mỗi đội có 10 người (6 thi đấu, 4 dự bị) và được nhận biết bởi màu sơn của chiếc gậy đánh bóng. Sau hiệu lệnh của trọng tài, 12 kình ngư bơi lặn của 2 đội hụp mặt, chổng mông lao vụt xuống đáy nước quần nhau, cuộn tròn người giữ và chuyền bóng về hướng khay (được xem như cầu môn trong khúc côn cầu trên băng hay bóng đá) của đối phương trước khi thực hiện các cú đánh ghi điểm (bóng lọt hẳn vào khay).
Chiến thuật của khúc côn cầu dưới nước “copy” từ bóng rổ với đội hình phòng thủ - tấn công theo sơ đồ 3-3 (3 người phòng thủ, 3 người tấn công), hoặc có thể biến chuyển thành 3-2-1, 2-3-1, 1-2-3 hay 2-2-2... Mỗi trận đấu có 2 hiệp và thời gian của các hiệp thường từ 10 - 20 phút tùy theo quy định của mỗi giải đấu.
Điều thú vị của môn đấu này là chiến thuật... nín thở. Bởi với các vận động dưới nước, các “cầu thủ cá” thường chỉ nín thở được trong khoảng 15 - 30 giây trước khi phải ngoi lên mặt nước để giải quyết nhu cầu bẩm sinh của con người rồi lặn trở lại đáy tiếp tục thi đấu.
Hài hước hơn, mỗi điểm được ghi không những đem lại niềm vui cho đội thắng mà còn đội thua cũng có niềm vui nho nhỏ. Bởi sau hành động ăn mừng, tất cả thành viên đội thắng đồng loạt ào lên mặt nước để thở và dĩ nhiên đội thua cũng được thở theo. Ở những trận cầu căng thẳng, bể nước giống như gắn một máy sục dưới đáy, tạo sóng trên mặt nước nhưng điều kỳ lạ là môn đấu này hiếm khi gây chấn thương cho người chơi.
Sự kỳ quái và kỹ năng phức tạp giúp khúc côn cầu dưới nước lan tỏa khắp các châu lục đến mức các tổ chức đứng đầu phải giành giật nhau thành viên và tổ chức các giải vô địch thế giới. Hiện nay, môn thể thao này có 2 tổ chức đại diện quốc tế là Underwater Hockey Commission (CMAS) và World Aquachallenge Association (WAA) nhưng không tổ chức nào chịu nhường nhau nên có đến 2 giải vô địch thế giới tồn tại riêng biệt kể từ năm 2006 được tổ chức xen kẽ.
Bình luận (0)