Cách đây 50 năm, ngày 16.5.1966, Ban Chấp hành đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã ban hành thông tri kêu gọi loại bỏ những phần tử tư sản âm mưu chiếm quyền của giai cấp vô sản, mở ra một thập niên đấu tranh giai cấp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước này. Thống kê chính thức cho thấy hơn 1,7 triệu người, bao gồm nhiều chính khách và trí thức nổi danh đã thiệt mạng trong 10 năm đại biến về chính trị - xã hội.
Cũng trong thời kỳ Cách mạng văn hóa này, hơn 16 triệu thanh niên đã được đưa về các làng mạc xa xôi để nếm mùi lao động khổ cực trong phong trào “lên núi, xuống làng” do Mao Trạch Đông chủ xướng. Nhiều lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng như một số gương mặt nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật đã trưởng thành trong giai đoạn biến động vốn là bước ngoặt của cuộc đời họ.
Chủ tịch Tập Cận Bình
Là một trong những nạn nhân trẻ tuổi nhất của cuộc cách mạng, chủ tịch tương lai của Trung Quốc đã nếm mùi đấu tố từ tuổi 13, do ông có cha là “kẻ thù của đảng”. Theo tờ The Strait Times, ông Tập bị phân biệt đối xử từ lúc mới lên 9, khi cha ông, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân bị thanh trừng vào năm 1962. Bốn năm sau, cách mạng bùng phát, cậu bé Tập bị chụp lên đầu một chiếc mũ kim loại hình nón và dẫn ra trước một cuộc tuần hành, theo lời người bạn của cha ông là Dương Bình. “Chiếc mũ quá nặng đối với cậu bé 13 tuổi. Cậu bé khổ sở dùng hai tay giữ nó với khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn”, ông Dương kể lại trong một bài viết năm 2012.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi về Cách mạng văn hóa vào năm 2000, ông Tập đã kể lại những giờ phút đối mặt với các Hồng vệ binh, lực lượng thanh thiếu niên khét tiếng được Mao thành lập và xách động để tiến hành cuộc cách mạng thời đó. “Họ hỏi tôi có biết tội lỗi của mình ghê gớm đến mức nào không. Tôi nói họ hãy tính xem tội lỗi của tôi có đủ lãnh một viên đạn không. Họ nói đủ lãnh 100 viên. Tôi nghĩ 1 viên hay 100 viên thì có khác gì nhau”, ông Tập nói.
Sau một khoảng thời gian bị giam giữ và hà hiếp vì không chịu làm chứng dối, Tập Cận Bình được đưa về sống ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Thiểm Tây trong 7 năm - một trải nghiệm được ông mô tả rằng đã mang lại cho ông ý chí sắt đá trong cuộc đời sau này.
Tại huyện Diên Xuyên, ông Tập phải chịu cảnh đói rét trong một cái hang đầy bọ chét. Ban ngày ông làm việc cùng nông dân, cày ruộng, bới than và hốt phân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn để thích nghi, nhưng ông rốt cuộc cũng hòa nhập được với cuộc sống của người dân địa phương. “Bảy năm trời lao động khổ cực là một cuộc rèn luyện tuyệt vời đối với tôi. Tôi luôn nhớ lại thời kỳ đó mỗi khi đối mặt với khó khăn sau này. Không gì có thể khổ cực hơn thời đó”, ông kể. Sau thời gian lao động ở nông thôn, năm 1975, ông được giới thiệu vào Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh do thời đó không có kỳ thi vào đại học.
Thủ tướng Lý Khắc Cường
Khi cách mạng bùng phát, Lý Khắc Cường, con trai một cán bộ ở tỉnh An Huy, mới vừa lên học cấp 2 lúc 11 tuổi. Các ngôi trường bị đóng cửa, ông được một người thủ thư về hưu dạy dỗ trong 5 năm trước khi trở lại trường. Năm 1974, ông tốt nghiệp trung học và đi về huyện Phụng Dương ở tỉnh An Huy theo lời kêu gọi “lên núi, xuống làng”.
Bốn năm sống tại một trong những ngôi làng nghèo nhất Trung Quốc đã củng cố niềm tin của ông vào cải cách kinh tế sâu rộng nhằm mang lại lợi ích cho nhiều người hơn. “Ông ấy thuộc dạng xuất sắc nhất trong nhóm thanh niên trí thức của mình. Ông ấy cày dưới ánh nắng thiêu đốt với đôi bàn tay bỏng rát”, một dân làng tên Ngô Thiên Du kể lại vào năm 2012.
|
Dân làng cũng nhớ chuyện Lý là con mọt sách vốn luôn ôm cuốn sách vào ban đêm sau khi đã lao động cực nhọc trong 10 tiếng đồng hồ vào ban ngày, theo The Strait Times. Sự cần cù của ông được đền đáp khi ông được nhận vào Đại học Bắc Kinh năm 1977 trong kỳ thi đại học đầu tiên sau cách mạng. “Tôi vẫn nhớ rằng sau kỳ thi năm 1977, tôi đang cuốc đất ngoài ruộng khi nghe tin đậu đại học”, ông Lý kể lại.
Trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị thủ tướng năm 2013, ông Lý nói ông không thể nào quên được thời gian khó với các dân làng ở Phụng Huyền. “Cải cách và mở cửa đã thay đổi số phận đất nước, giúp hàng trăm triệu nông dân thoát đói nghèo. Nó cũng thay đổi cuộc đời của nhiều người, kể cả tôi”, ông nói.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu
Từ một cậu bé bị gọi “cẩu tử” trong Cách mạng văn hóa trở thành một đạo diễn nổi danh trên trường quốc tế, Trương Nghệ Mưu nói điều mà ông học hỏi được trong cuộc đời là không bao giờ lùi bước trước nghịch cảnh. “Rất khó để chống lại bánh xe thời gian, nhưng tôi có niềm tin. Không có nhiều khó khăn có thể khiến tôi cảm thấy yếu ớt”, Trương nói về kinh nghiệm của mình trong 10 năm gian lao.
Với cha và hai chú có liên hệ với lực lượng Quốc dân đảng, Trương sống dưới chiếc bóng chính trị của họ từ thuở nhỏ. Nhưng nỗi bất hạnh đó biến ông trở thành một cậu bé “trưởng thành và chín chắn hơn” so với bạn đồng lứa, theo người viết tiểu sử của ông.
Năm 1968, chàng thiếu niên 17 tuổi được đưa về Can Huyện ở tỉnh Thiểm Tây, nơi ông sống trong 3 năm với vai trò một nông dân và họa sĩ. Những bức vẽ Mao Trạch Đông của ông nhận được sự tán thưởng của các quan chức ở đó và ông được chuyển đến một nhà máy vải bông vào năm 1971. Tại đây, ông học chụp ảnh và sở thích đó sau này giúp ông đỗ vào Học viện Điện ảnh Bắc Kinh năm 1978.
|
Sau khi tốt nghiệp, kinh nghiệm về cuộc sống nông thôn giúp ông diễn xuất một cách thuyết phục vai nông dân trong bộ phim đầu tay có tựa Lão tĩnh. Nhờ đó, ông được trao giải diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim quốc tế Tokyo.
Năm 1987, bộ phim đầu tiên do ông làm đạo diễn - Cao lương đỏ, với chủ đề nông thôn, đã gây tiếng vang và mang lại cho ông các giải thưởng quốc tế. Một thập niên sau, ông từng bước trở thành một trong những đạo diễn xuất sắc nhất Trung Quốc bằng cách sản xuất nhiều bộ phim nổi tiếng với khung cảnh nông thôn, bao gồm cả phim Phải sống, vốn bị cấm chiếu ở Trung Quốc vì đề cập đến các chủ đề cấm kỵ là các phong trào chính trị từ thập niên 1940 - 1970.
Bình luận (0)