Thiên chức và công việc đòi hỏi người dạy học phải thoát ly cuộc sống đời thường, mỗi khi đứng trước học trò. Bàn tay cầm vào viên phấn, cái nhàm chán - gượng gạo - rã rời, phải nhường chỗ cho phong thái - ngữ điệu - nội hàm hưng phấn. Theo thời gian, đã thành bản năng của nhà giáo.
lKhông có lương tâm và niềm tin, làm sao chịu đựng nổi bao ánh mắt ngờ vực. Rằng thầy giáo bây giờ dạy ở lớp qua loa, chỉ tìm cách lôi kéo học trò về nhà để dạy thêm! Rằng nhiều học sinh phải đi học thêm vì bởi sợ thầy cô trù dập!
lKhông có lương tâm và niềm tin, làm sao chịu đựng nổi 45 phút cần mẫn dựng lại mấy ngàn năm lịch sử giữa 4 bức tường, trước không ít con em mà quá nửa gần như vô cảm. Vì "năm nay chắc không thi môn này".
lKhông có lương tâm và niềm tin, làm sao chịu đựng nổi với những tiết kiểm tra, thầy cô giáo phải canh học sinh quay cóp như quản lý thị trường canh buôn lậu. Nhiều chàng trai, cô gái đâu khác gì những nhân vật trẻ trung của một thời lẫm liệt! Mà sao mỗi lần được mời lên, sẵn sàng và dõng dạc: "Em không thuộc bài, thầy!". Ba lần - năm dạo, thôi đành khuyên tròn một con số, vì không thể để học sinh lưu ban!
lKhông có lương tâm và niềm tin, làm sao chịu đựng nổi với những lớp học trò chỉ học đủ để thi, không thi thì không học. Giáo dục tiến bộ nhờ khai phóng. Nhưng biết làm cách nào khác hơn là cứ phải nhồi nhét vào đầu học sinh trăm thứ mẫu bà rằn, nó thích hay không mặc kệ. Chỉ cầu mong sao khi đi thi, nó sẽ nhả lại được nguyên văn, nâng cao tỷ lệ đậu để khắp nơi rộn rã nhiều tràng pháo tay.
lKhông có lương tâm và niềm tin, làm sao chịu đựng nổi những cuộc truy lùng trong sân trường để trả đũa thầy cô giáo nào đó. Đã lỡ tay đánh đứa học trò, vì quá nóng ruột chuyện học hành của nó, mà "ngớ ngẩn" tưởng nó như con - em mình.
Lương tâm nhà giáo không là mốt thời thượng để trang điểm cho một lớp người, một giới nghề nghiệp. Nó phải là tố chất được nuôi dưỡng bởi chí trung - chân - thiện - mỹ, lòng tự trọng trong sáng của từng cá thể, mối đồng cảm từ cộng đồng và thành quả của sự phát triển xã hội do giáo dục. Niềm tin phải là ánh đuốc. Chứ không thể mãi là ánh sao đêm trên con đường khổ hạnh của nhà giáo. Đừng nên có cảm giác an bình bởi trạng thái lặng yên.
Rồi ngày TÔN VINH NHÀ GIÁO lại đến. Mỗi người đều nên tự hỏi: Mình phải làm gì để góp được phần bội thu trong mùa vụ trồng người!
Tạ Quang Sum
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Cam Ranh, Khánh Hòa)
Bình luận (0)