Mệt mỏi vì nhạy cảm quá mức
Một khảo sát nhỏ của phóng viên với 10 bạn trẻ tự nhận họ là người sống quá nhạy cảm thì có tới 8/10 ý kiến cho rằng sự nhạy cảm đang khiến họ mệt mỏi vì lúc nào cũng phải suy nghĩ quá nhiều.
"Nhạy cảm quá mức nên gặp chuyện gì mình cũng quan trọng hóa vấn đề, suy nghĩ nhiều nhưng không có trọng tâm dẫn đến không giải quyết được việc gì. Nhạy cảm cũng là biểu hiện của việc mình là người cảm tính nên khi đối diện với khó khăn bất ngờ sẽ khó giữ bình tĩnh, hành động bộc phát, gây hậu quả sai lầm. Việc cảm tính trong công việc cũng khiến người ta không có được sự cứng rắn và quyết đoán, nếu mình không kiểm soát được sự nhạy cảm thì sẽ rất khó làm việc hiệu quả cùng nhau", Nguyễn Như Quỳnh (22 tuổi), làm nhân viên truyền thông, sống trọ ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ.
Tương tự, sự nhạy cảm khiến Nguyễn Thị Ngọc Nhi (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM hay để ý và bị chi phối bởi cảm xúc của mọi người xung quanh. "Khi nói chuyện với một người mà chỉ cần để ý thấy người ta chau mày là mình dừng ngay và bắt đầu suy nghĩ liệu mình có lỡ lời gì không phải khiến họ phật lòng. Hay trong công việc, khi có vấn đề cần xin ý kiến nhưng nhắn tin mà "sếp" xem không trả lời mình lại đứng ngồi không yên. Mình cũng bị ám ảnh bởi những lời nhận xét, dù lời khen nhiều hơn chê nhưng mình luôn tin vào những lời chê và hoài nghi năng lực của bản thân", Nhi kể.
Người nhạy cảm luôn được bao bọc bởi một vẻ ngoài khiến người khác an tâm và tin tưởng nhưng bên trong họ rất yếu đuối và dễ dàng rơi nước mắt. "Đôi khi một lời nói bâng quơ của người khác có thể họ không để ý nhưng khiến mình để tâm và buồn. Một thay đổi nhỏ của đối phương trong cách cư xử hay nhắn tin cũng khiến mình tổn thương. Có những chuyện vì không muốn mọi người xung quanh phiền lòng mà mình luôn tỏ ra vui vẻ. Mỗi lần đăng gì lên Facebook hay nhắn tin với người khác mình đều kèm theo biểu tượng cảm xúc vì sợ bị hiểu lầm", Nguyễn Thị Ánh Diễm, sinh viên Trường ĐH Duy Tân (TP.Đà Nẵng) tâm sự.
Chỉ ra những thách thức của người nhạy cảm, thạc sĩ tâm lý học Bùi Vĩnh Nghi, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nói: "Khi gặp những trải nghiệm tồi tệ, những người nhạy cảm khái quát hóa quá mức và né tránh hoặc cảm thấy lo lắng trong rất nhiều trường hợp. Hệ thần kinh của người nhạy cảm có thể bị quá tải. Họ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tâm trạng và cảm xúc của người khác và thường hay ngẫm nghĩ về suy nghĩ của chính mình".
Người nhạy cảm có khả năng phát hiện lỗi và tránh mắc lỗi tốt hơn
Tuy nhiên, sự nhạy cảm không hẳn là yếu điểm, nếu nhìn theo hướng tích cực, nhạy cảm là một món quà. Huỳnh Thị Bảo Trân, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho hay: "Với mình, nhạy cảm là một món quà trời ban. Mình biết là quan tâm cảm xúc của người khác sẽ mệt, nhưng nó giúp cho mình có lăng kính đa sắc hơn, hiểu và yêu bản thân mình thêm. Hơn nữa, sự nhạy cảm giúp mình suy nghĩ được nhiều góc nhìn hơn từ một vấn đề, từ đó nhìn nhận và đôi khi là lường trước được vài chuyện".
Tương tự, cũng cảm nhận nhạy cảm là một điều may mắn, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (30 tuổi), làm nhân viên văn phòng, ở trọ trên đường Võ Duy Ninh, P.22, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) nói: "Nhạy cảm giúp mình biết quan tâm tới cảm xúc của người khác nhiều hơn, dễ dàng nắm bắt được tâm trạng của mọi người xung quanh để hiểu được họ đang cần được lắng nghe, chia sẻ hay an ủi. Một điều tốt nữa là sự nhạy cảm giúp mình cẩn thận, tỉ mỉ hơn trong công việc".
Thạc sĩ tâm lý học Bùi Vĩnh Nghi, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng nhạy cảm đôi khi lại là lợi thế. "Sở hữu hệ thần kinh nhạy cảm giúp bạn nhận thức được những chi tiết nhỏ. Có thể biết vì sao mọi chuyện phải xảy ra như vậy hoặc sẽ kết thúc như thế. Dễ dàng trở thành người có tầm nhìn xa trông rộng. Do luôn để ý và được "giác quan thứ 6" cung cấp thông tin, người nhạy cảm thường rất dễ đồng cảm và kết nối với những người có sự tương đồng về mặt cảm xúc. Có khả năng phát hiện lỗi và tránh mắc lỗi tốt hơn. Họ cực kỳ tỉ mỉ, có khả năng tập trung cao độ. Đặc biệt giỏi ở các nhiệm vụ đòi hỏi sự cảnh giác, chính xác và tốc độ", thạc sĩ Vĩnh Nghi cho hay.
Với những lợi thế đó, thạc sĩ Vĩnh Nghi cũng nêu ra những ngành nghề mà người nhạy cảm có thể tận dụng và phát huy được chính mình như: giáo viên, phi công, tiếp viên hàng không, y tá, giáo viên mầm non, thư ký, nghề làm đẹp, đầu bếp, vận động viên, thợ đồ gỗ mỹ nghệ, chuyên viên chăm sóc thú cưng, chuyên viên tâm lý trị liệu, nhà văn, nghệ sĩ, nhà khí tượng học, nhà khoa học, biên tập viên...
"Người nhạy cảm có khả năng gọt đẽo công việc của mình thành một thứ tĩnh lặng, tỉ mỉ và chín chắn. Hãy tận dụng tài năng để thấu hiểu bản thân cũng như con người trong tổ chức và đội nhóm. Cuối cùng, hiểu mình, tự chủ được những dòng chảy cảm xúc và suy nghĩ trong thế giới nội tâm của mình là điều những người nhạy cảm phải làm quen mỗi ngày nên hãy đón nhận nó như một điều hiển nhiên. Đừng lo lắng, nhạy cảm không hoàn toàn xấu hay bất lợi, nó chỉ trở thành điểm yếu nếu chúng ta không chấp nhận mình là người nhạy cảm", thạc sĩ Vĩnh Nghi nhắn nhủ.
Bình luận (0)