'Khủng bố' điện thoại, email để quảng cáo - Kỳ 3: Ai bảo vệ người dân?

06/08/2016 14:02 GMT+7

Việc các nhân viên ở nhiều công ty liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị các dịch vụ, sản phẩm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người dân theo nhiều luật sư là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm.

Chưa giải thích được
Bà Lưu Thị Thanh Hằng, Giám đốc cấp cao phụ trách thương hiệu và Marketing Dai - ichi Life Việt Nam cho biết, phía công ty cũng nhận được phản ánh của người dân và khách hàng về hiện tượng này. 
Theo bà Hằng, khi nhận được phản ánh, bên cạnh việc xin lỗi, công ty sẽ rà soát và xử lý để chấm dứt việc làm phiền người dân bằng hình thức này.
Ngao ngán với cách mời mua bảo hiểm "dai như đỉa" này
Ngao ngán với cách mời mua bảo hiểm "dai như đỉa" này Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra bà Hằng cũng cho biết thêm công ty không chủ trương tiếp thị sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm bằng hình thức liên tục điện thoại chào mời khách hàng tham dự hội thảo.
“Chúng tôi đã triển khai quy trình cũng như hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt các cuộc gọi điện thoại tiếp thị làm phiền người dân, khách hàng từ đội ngũ kinh doanh”, bà Hằng khẳng định.

Người dân có thể sử dụng hình thức tố cáo vi phạm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu xử phạt người/doanh nghiệp vi phạm theo như quy định trên, hoặc khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi quấy rối mình ra tòa án để buộc các đối tượng này chấm dứt vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có)

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh

Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể về quy trình kiểm soát nghiêm ngặt các cuộc gọi điện thoại tiếp thị cũng như việc nhiều người đến công ty phản ánh hoặc chặn luôn số điện thoại mà vẫn bị gọi mời mua bảo hiểm; tại sao nhân viên tiếp thị lại có số điện thoại cũng như thông tin khách hàng thì chúng tôi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Xâm phạm bí mật đời tư
Mặc dù các nhà mạng luôn khẳng định thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối nhưng đa phần những người bị “khủng bố” điện thoại như thế này đều cho rằng lỗi từ nhà mạng.
Bên cạnh đó, những người chuộng mua bán trực tuyến không ngại ngần điền tất cả thông tin của mình để thuận tiện giao dịch mà không biết rằng chúng có được bảo mật hay không.
Luật sư (LS) Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết pháp luật quy định rất nghiêm ngặt về việc bảo vệ quyền bí mật đời tư. Cụ thể, theo Điều 38 Bộ luật dân sự 2005 thì quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Theo LS Thanh, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng”.
Điều 226 Bộ luật Hình sự cũng có chế định xử phạt về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” cũng nêu rõ: “Người nào thực hiện một trong các hành vi xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó… sẽ bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc các công ty liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị các dịch vụ, sản phẩm trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người tiêu dùng là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm.
Khoản 2 Điều 10 Luật này chỉ ra các hành vi bị cấm: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng”.
Như vậy, người dân có thể sử dụng hình thức tố cáo vi phạm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu xử phạt người/doanh nghiệp vi phạm theo như quy định trên, hoặc khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi quấy rối mình ra tòa án để buộc các đối tượng này chấm dứt vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trong khi chưa giải quyết được việc bị lộ thông tin khách hàng từ đơn vị nào, do cá nhân người dùng bất cẩn khi cung cấp điện thoại cho nhiều nguồn: đăng kí dịch vụ điện thoại di động, dịch vụ siêu thị, quay số, trúng thưởng... thì người dân muốn có bằng chứng để tố cáo/khởi kiện là ghi âm lại các cuộc gọi “bị cho là quấy rối”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.