Khủng hoảng chạm vào Ấn Độ, Trung Quốc

03/11/2008 14:18 GMT+7

* Kêu gọi vùng Vịnh góp tiền Hai nền kinh tế hùng mạnh của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu phải gồng mình trước áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Báo South China Morning Post mới đây dẫn lời phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc Chu Mẫn thừa nhận tác động của khủng hoảng bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc.

Trong cuộc hội thảo về tài chính tại Thượng Hải ngày 1-11, ông Chu Mẫn cho biết thời gian qua tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận các ngành công nghiệp đã sụt giảm đáng kể. Theo Hãng tin Tân Hoa xã, trong ba quý đầu năm 2008, lợi nhuận của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc (không tính các tổ chức tài chính) giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu trong nước suy yếu và chi phí nguyên liệu tăng cao. Sáu tháng đầu năm, 67.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc phá sản, khoảng 10.000 nhà máy may mặc phải đóng cửa, hơn 20 triệu nhân công trong các ngành sản xuất bị sa thải.

Ông Chu Mẫn dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái năm 2009 và ảnh hưởng trực tiếp một cách nặng nề đến Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Reuters, Ngân hàng trung ương Ấn Độ vừa bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn lần thứ hai trong hai tuần qua từ 8% xuống 7,5%, hạ tỉ lệ dự trữ tiền mặt ở các ngân hàng thương mại từ 6,5% xuống 5,5%. Reuters dẫn lời chuyên gia Vikas Agarwal của Ngân hàng JP Morgan nhận định động thái này cho thấy tình hình kinh tế Ấn Độ đang xấu đi.

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã sụt tới 53% do giới đầu tư nước ngoài rút tiền, trong khi đồng rupee mất giá gần 20% so với đồng USD, tụt xuống mức thấp kỷ lục. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm còn 7-7,5% so với mức 9% năm 2007, dù vẫn mạnh nhưng không đủ sức kéo hàng trăm triệu người Ấn Độ ra khỏi cảnh đói nghèo.

IMF cần thêm tiền

Ngày 2-11, trong chuyến công du đến vùng Vịnh, Thủ tướng Anh Gordon Brown khẳng định Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cần thêm hàng trăm tỉ USD để bảo vệ các nền kinh tế đang có nguy cơ sụp đổ tài chính. “Nếu muốn ngăn khủng hoảng tài chính lan rộng, chúng ta cần một chính sách bảo hiểm toàn cầu tốt hơn để hỗ trợ các nền kinh tế đang gặp khó khăn” - Reuters dẫn lời ông Brown khẳng định.

Thủ tướng Brown kêu gọi các quốc gia có nguồn tài chính dồi dào như Trung Quốc và các nước vùng Vịnh giàu dầu khí đóng góp vào quỹ của IMF. “Các nước xuất khẩu dầu mỏ - đã kiếm được hơn 1.000 tỉ USD nhờ giá dầu cao - đang ở vào vị trí phải đóng góp” - ông Brown nói thẳng. Theo ông, mối quan tâm của các nước vùng Vịnh là giá năng lượng ổn định, tuy nhiên vùng Vịnh cũng phải quan tâm một nền kinh tế toàn cầu hoạt động ổn định.

Như một bằng chứng cho lời kêu gọi của ông Brown, mới đây Thủ tướng Hungary Ferenc Gyurcsany tuyên bố Hungary đã tránh được tình trạng phá sản nhờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tuần qua, IMF cùng Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu u đã cho Hungary vay 25,1 tỉ USD nhằm giải cứu thị trường tài chính nước này. Hãng tin AFP dẫn lời ông Gyurcsany cho biết nếu không có sự can thiệp kịp thời như trên, nhiều khả năng đồng tiền Hungary đã sụt giá nặng nề, dẫn tới lạm phát 20-30% và cướp đi 1/3-1/4 thu nhập của người dân. IMF cũng đã cho Ukraine vay 16,5 tỉ USD và sẽ đánh giá tình hình tài chính của Romania để cho vay.

Hiện các quốc gia khác vẫn đang nỗ lực hạn chế khủng hoảng tài chính. Mới đây, lần đầu tiên trong vòng bảy năm qua, ngân hàng Nhật hạ lãi suất cho vay liên ngân hàng từ 0,5% xuống còn 0,3%. Nga mới đây đầu tư 6,41 tỉ USD từ Quỹ thịnh vượng quốc gia và ngân hàng VEB trong kế hoạch nhà nước mua cổ phiếu của các công ty. Động thái này giúp thị trường chứng khoán Matxcơva tăng gần 50% trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi các ngân hàng trong nước tiếp nhận hỗ trợ từ gói giải cứu 638,9 tỉ USD của chính phủ. Các ngân hàng Đức còn đang ngần ngại vì cho rằng các quy định cho vay của chính phủ quá ngặt nghèo.

Theo Hiếu Trung / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.