Ra đi để cứu mình
Hơn 25 ngàn khoa học gia Nga đã ra nước ngoài sinh sống và làm việc trong suốt 15 năm qua. Khoảng 30 ngàn người nữa làm việc ở nhiều nước khác theo hợp đồng hằng năm. Thứ trưởng Giáo dục và Khoa học D.Livanov cũng thừa nhận về tình trạng "chảy máu chất xám" mặc dù ông cho rằng con số thống kê kể trên chỉ chiếm 5 - 6% tiềm lực khoa học của Nga. Điều này nghe có vẻ không thật sự đáng kể nhưng Nga đã mất cả các chuyên gia tên tuổi lẫn các trợ lý nghiên cứu trẻ tuổi đầy tiềm năng.
B.Pascal - nhà khoa học và toán học của Pháp ở thế kỷ XVII - từng tuyên bố Pháp sẽ trở thành lãnh thổ của những kẻ ngu dốt nếu 300 nhà khoa học rời khỏi mảnh đất này. Về phần nước Nga hiện nay, họ đã mất hơn 200 ngàn nhà khoa học và chuyên gia giỏi. Hàng ngàn chuyên gia Nga đã phải từ bỏ khoa học và đổi nghề vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhiều người đã không thể tìm được chỗ đứng trong thời kỳ cải cách kinh tế và phải chuyển sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng, thương mại... Nga đã mất khoảng 1/3 tiềm năng khoa học của mình trong nhiều năm cải cách. Các nhà toán học, di truyền học và công nghệ sinh học thường là những người đầu tiên rời quê hương. Và cơn sốt "chảy máu chất xám" thật sự bùng nổ vào cuối thập niên 90 khi từng nhóm chuyên gia tìm cách ra đi. Theo ước tính, tổng số người tham gia các công trình nghiên cứu khoa học ở Nga đã giảm một nửa từ năm 1990-2002.
Thiệt hại 30 tỉ USD/năm
Tình trạng di cư của các nhà khoa học Nga vẫn tiếp tục diễn ra ở đầu thế kỷ 21. Ngày nay, rất khó tìm thấy các nhà khoa học trẻ tuổi trong những viện nghiên cứu của Nga. Độ tuổi trung bình của một tiến sĩ khoa học Nga vào khoảng 53-60 còn các khoa học gia thì chừng 40. Do Nga đào tạo các chuyên gia khoa học rất tốt nên nhiều nước phương Tây đều ưu tiên nhận các nhà khoa học Nga, qua đó giúp họ tiết kiệm hơn 200 ngàn USD chi phí đào tạo mỗi người. Các nhà vật lý, toán học và sinh học có thể tìm việc tại các trường đại học Mỹ mà không gặp khó khăn gì lớn. Phân tích các số liệu thống kê cho thấy tình trạng "chảy máu chất xám" khiến Nga thiệt hại hơn 30 tỉ USD/năm.
Tuy nhiên, các nhà xã hội học lại rất mơ hồ về những hậu quả xã hội và văn hóa do tình trạng "chảy máu chất xám" gây ra cho đất nước. Một số còn tin rằng các khoa học gia tài năng không bao giờ nghĩ đến việc rời quê cha đất tổ. Thế nhưng, hiện tượng các nhà khoa học dứt áo ra đi đã tác động xấu đến người dân cũng như các giới trí thức khác - những người đóng góp lớn nhất cho sự tiến hóa của nhân loại.
Hiện tượng "chảy máu chất xám" có thể thay đổi hằng năm mặc dù nguyên nhân thì vẫn giống nhau: lương thấp, thiết bị lỗi thời, tương lai nghề nghiệp tối mù. Giới khoa học gia Nga không có nhiều lựa chọn. Họ hoặc nai lưng ra làm việc để nhận số tiền ít ỏi hoặc đi đến một nước nào khác - nơi họ được trả lương cao, làm việc với các thiết bị hiện đại và được mọi người kính nể hơn. Trước tình trạng này, cả Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga tin rằng cần phải đưa ra một hệ thống khuyến khích hiệu quả để thu hút các chuyên gia trẻ tuổi vào lĩnh vực khoa học. Giới chức Nga hiện đang có một số biện pháp theo chiều hướng này như ủng hộ tài chính cho khoảng 4 ngàn nhà nghiên cứu trẻ tuổi và sinh viên mới ra trường. (Pravda.ru)
Châu Yên
Bình luận (0)