Ngày 17.10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các bộ trưởng cấp cao để giải quyết tình trạng hàng loạt công nhân tại các nhà máy năng lượng trên khắp cả nước đình công, dẫn đến tình trạng cạn kiệt nhiên liệu, đài CNN đưa tin.
Trong cuộc họp, ông Macron khẳng định ông muốn tìm ra một giải pháp “càng nhanh càng tốt” để giải quyết tình trạng hiện tại, đồng thời cam kết sẽ “làm hết sức mình” để tìm ra giải pháp.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher, chính phủ đã ra lệnh cho các công nhân đình công tại hai kho nhiên liệu ở thị trấn Feyzin (thành phố Lyon), trở lại làm việc trong ngày 17.10, nếu không, họ sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự.
Lyon là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước. Ngày 16.10, có gần 40% trạm xăng ở thành phố này thông báo cạn nhiên liệu, trong khi khoảng 33% số trạm khác đã hết ít nhất một loại nhiên liệu. Theo Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne, tình hình dự kiến sẽ tồi tệ hơn trong tuần này.
Đây là lần thứ hai trong những tuần gần đây chính phủ Pháp phải giải quyết tình trạng công nhân đình công tại các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của các công ty ExxonMobil và TotalEnergies. Nguyên nhân chủ yếu là do bế tắc trong việc đàm phán tiền lương giữa các bên.
Trong khi các công nhân ExxonMobil đồng ý nối lại hoạt động ở nhà máy lọc dầu Fos-sur-Mer ở miền nam nước Pháp sau các cuộc đàm phán vào cuối tuần trước, các cuộc đình công vẫn tiếp diễn tại các nhà máy lọc dầu của TotalEnergies.
Các cuộc đình công diễn ra sau khi Tổng Liên đoàn Lao động của Pháp đã từ chối chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận tiền lương được thống nhất giữa TotalEnergies và hai công đoàn khác là Liên đoàn Quản lý Pháp và Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp.
Thỏa thuận bao gồm tăng lương 7% vào năm 2023 và thưởng một tháng lương cho tất cả nhân viên tương đương. Tổng Liên đoàn Lao động của Pháp đã yêu cầu tăng lương 10%.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các cuộc đình công là "không thể chấp nhận được và bất hợp pháp", vì các thỏa thuận về tiền lương đã được thống nhất với đa số người lao động.
Trả lời phỏng vấn đài France Inter, ông Philippe Martinez, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động của Pháp cho biết rằng "vài nghìn" công nhân vẫn đang đình công. Số liệu này mâu thuẫn với thông tin được các bộ trưởng Pháp cung cấp, trong đó cho biết “chỉ có một số ít công nhân” đình công.
Ngày 16.10, hàng nghìn người đã tuần hành qua trung tâm Paris để phản đối cuộc khủng hoảng năng lượng. Bộ trưởng Giao thông vận tải Clement Beaune nói với France Inter rằng cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng là chấm dứt các cuộc đình công.
Việc công nhân Pháp đồng loạt ngưng làm việc diễn ra trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ở nước này đang gia tăng. Người dân Pháp hiện phải thanh toán hóa đơn tiền điện cao hơn do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt và gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Bình luận (0)