Khủng hoảng nối tiếp gây sức ép lên Tổng thống Macron

Khánh Như
Khánh Như
05/07/2023 08:32 GMT+7

Giữa bối cảnh chính trị Pháp phân cực sâu sắc, việc người dân liên tục xuống đường biểu tình có nguy cơ khiến vị thế của Tổng thống nước này Emmanuel Macron suy yếu.

Bạo lực dần lắng xuống

Một tuần sau vụ cảnh sát bắn chết một công dân gốc Phi 17 tuổi không chấp hành lệnh dừng để kiểm tra giao thông, bạo lực ở Pháp đã có dấu hiệu giảm mạnh. Trong thông báo sáng 4.7, Bộ Nội vụ Pháp cho hay số người biểu tình bị bắt trong đêm 3.7 là 72, ít hơn đáng kể so với những ngày trước đó. Số tòa nhà và phương tiện bị đốt cháy hoặc hư hại cũng giảm sâu, theo đài France24.

Khủng hoảng nối tiếp gây sức ép lên Tổng thống Macron  - Ảnh 1.

Tổng thống Macron

Một dấu hiệu khác cho thấy bạo lực đã dịu đi là việc hàng trăm người đã tuần hành ủng hộ lãnh đạo khu vực L'Haÿ-les-Roses, ngoại ô thủ đô Paris, sau khi người biểu tình lao chiếc xe đang bốc cháy vào nhà ông trong sáng 2.7, đài CNN đưa tin.

Tổng thống Macron ngày 3.7 cũng đã gặp người đứng đầu của 220 đô thị bị thiệt hại trong bạo loạn. Ông cũng hy vọng sớm tìm ra lý do sâu xa dẫn đến những sự kiện này.

Tiếng nói của ông Macron

Vụ bạo loạn mới nhất không phải là lần đầu tiên trong năm nay người biểu tình xuống đường phản đối chính phủ. Vào tháng 4, việc ông Macron tự quyết luật nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 đã khiến nhiều người bất mãn. Trước đó, năm 2018, phong trào biểu tình áo gi lê vàng đã nổ ra, xuất phát từ sự bất bình đối với giá nhiên liệu tăng và giá cả ngày càng đắt đỏ tại Pháp. Các vụ việc nói trên cộng thêm những gì xảy ra gần đây đã khiến sức ảnh hưởng cũng như tiếng nói của Tổng thống Macron trên chính trường Pháp suy yếu.

Khủng hoảng nối tiếp gây sức ép lên Tổng thống Macron  - Ảnh 2.

Cảnh sát chống bạo động ở Paris vào ngày 3.7

Reuters

Theo AP, đảng Phục hưng của ông Macron và các đồng minh thân cận chỉ giữ 251/577 ghế tại quốc hội. Trong cuộc bầu cử năm ngoái, ông Macron cũng chỉ giành chiến thắng sít sao, với 58% số phiếu bầu, trước đối thủ Marine Le Pen. Do đó, để thông qua vấn đề dù nhỏ trong nước và trong thời điểm "yên bình", ông Macron cũng đã phải thuyết phục quốc hội. Giờ đây, việc điều hành đất nước đang trải qua những ngày bất ổn gần như trở nên bất khả thi đối với ông Macron.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu nhà lãnh đạo Pháp có đủ sức để đối mặt với tình hình chính trị trong nước hay không. Theo chuyên gia Luc Rouban, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (Pháp): "Vấn đề là ông Macron còn đến 4 năm nữa ở phía trước". AP dẫn lời chuyên gia Luc Rouban nhận định việc hàng loạt cuộc biểu tình phản đối bất bình đẳng nổ ra liên tiếp từ năm 2018 đến nay khiến ông Macron không kịp làm gì ngoại trừ việc phân bổ trợ cấp, song điều này cũng khó khăn vì gánh nặng nợ nần của Pháp.

Để tập trung giải quyết khủng hoảng trong nước, ông Macron đã rút ngắn cuộc gặp với các lãnh đạo châu Âu ở Bỉ vào tuần trước. Tuần này, ông hoãn chuyến thăm Đức, vốn được lên kế hoạch để thúc đẩy tình hữu nghị song phương sau các tranh chấp của các bên về năng lượng, quốc phòng và kinh tế. Mục tiêu kích thích du lịch cũng bị ảnh hưởng, bởi các nước lớn như Mỹ, Anh và Trung Quốc đã kêu gọi công dân thận trọng khi tới Pháp.

Paris mai này có ai ra tắm sông Seine?

Bên cạnh đó, ông Macron còn gặp áp lực về thời gian khi Quốc khánh Pháp (14.7) đang đến gần. Các công nhân ở Paris đang chuẩn bị cho cuộc duyệt binh truyền thống với khách mời danh dự là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Thế vận hội Paris 2024, một sự kiện thể thao mang tầm quốc tế, cũng đang ở rất sát, và chính quyền của ông Macron trước đó đã cam kết đảm bảo an toàn cho tất cả người có mặt ở Pháp. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.