'Khủng hoảng' nước sạch tại Đà Nẵng: Hết hạn thủy điện xả nước, mặn vẫn vượt ngưỡng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
22/08/2019 18:02 GMT+7

Chưa khi nào người dân hóng thông tin về nguồn nước từ các thủy điện xả về như lúc này, bởi đây là phương án khẩn cấp do các ngành đưa ra để “xử lý” cuộc “khủng hoảng” nước sạch tại Đà Nẵng đang diễn ra nghiêm trọng.

Đứng tim” với độ mặn lên ngưỡng lịch sử

Chiều 22.8, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cho biết, những giọt nước quý giá đầu tiên được điều tiết tăng cường xả từ các hồ chứa thủy điện A Vương và Đắk Mi 4 (tại Quảng Nam) đã về đến TP. Đà Nẵng. Với diễn biến này, ngành chức năng hy vọng góp phần giảm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ, nhằm khôi phục, giải quyết được “khủng hoảng” nước sạch đang diễn ra nghiêm trọng.

Nhà máy nước Cầu Đỏ hiện đã hoạt động hết công suất nhưng không đủ nước cung cấp cho Đà Nẵng

Ảnh: Hoàng Sơn

Tại cuộc họp với các ngành và các thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia vào hôm qua 21.8, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã đề nghị, vận hành xả nước từ hồ thủy điện Đăk Mi 4 về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng bằng 25 m3/giây đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1.000 mg/l thì vận hành xả nước trở lại theo quy trình vận hành liên hồ.

Thủy điện A Vương vận hành xả nước liên tục 24 giờ với lưu lượng không nhỏ hơn 70 m3/giây để góp phần giảm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ. Theo đó, việc xả nước bắt đầu từ 15 giờ chiều qua và đã kết thúc vào 15 giờ chiều nay 22.8.

Đà Nẵng nhiễm mặn đỉnh điểm, người dân chắt chiu từng giọt nước

Theo báo cáo của Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, sau khi 2 thủy điện xả nước, mức nước sông tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch đã được nâng từ 1,85 m (vào lúc 15 giờ ngày 21.8) đến 2 m vào lúc giờ ngày 22.8.

Độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ vào lúc 3 giờ 45 phút ngày 22.8 đã xác lập giá trị mới cao nhất về nồng độ mặn là 5.290 mg/lít, vượt xa giá trị 4.411 mg/lít ghi nhận được vào ngày 2.7 vừa qua.

Thủy điện xả nước trong 24 giờ nhưng nhiễm mặn vẫn nặng nề

Ảnh: Hoàng Sơn

Mức nhiễm mặn này gần như dập tắt hy vọng khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Đà Nẵng theo phương án khẩn cấp xả nước từ các hồ chứa thủy điện tối đa, liên tục 24 giờ.

“Rất may độ mặn có xu hướng giảm dần theo thời gian từ sau thời điểm trên đến hiện nay và đạt giá trị 1.059 mg/ít vào thời điểm sáng ngày 22.8. Với độ mặn như vậy, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã thu nước mặt trực tiếp trên sông Cầu Đỏ để pha loãng với nguồn nước bơm về tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch để khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP”, báo cáo của Sở TN-MT nêu.

Đã bổ sung thêm 30.000 m3 nước

Tại cuộc họp vào trưa qua (21.8), Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cũng chỉ đạo, Dawaco chủ động lấy nước từ đập dâng An Trạch và khai thác hiệu quả nguồn nước điều tiết về từ các hồ chứa thủy điện để khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Đà Nẵng…

Tại cuộc họp này, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho hay, hiện hồ còn khoảng 26 triệu m3. Đến 31.8 hết mùa khô, hồ vẫn còn lượng nước để dự trữ và có nước để điều tiết.

Nhiều địa phương tại Đà Nẵng vẫn phải sử dụng nước từ các điểm cấp lưu động

Ảnh: Hoàng Sơn

“Năng lực nhà máy có thể đáp ứng trong 24 giờ với lưu lượng 70 m3/giây. Chúng tôi lo phát như vậy trong điều kiện như hiện nay thì nên thận trọng. Cả 2 hồ về tổng 95 m3/giây nhưng hút lên chỉ khoảng 3 m3/giây, nếu không lấy nước được thì cũng sẽ ra biển...”, ông Thế nói.

Theo chỉ đạo của UBND TP, vào sáng nay 22.8, khi nguồn nước từ thủy điện đổ về, nhân viên túc trực tại Nhà máy nước Cầu Đỏ và các nhân viên tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch túc trực 24/24 đã theo dõi diễn biến nguồn nước đến, vận hành khai thác hiệu quả nguồn nước đến...

Hiện toàn TP vẫn còn thiếu 50.000 m3 trên hệ thống cung cấp, trong khi nhiễm mặn vẫn còn kéo dài nên việc thiếu nước sẽ còn tiếp diễn

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo thông tin từ Sở Xây dựng, hiện nay Dawaco đã tăng lưu lượng nước cấp ra mạng khoảng 30.000 m3/ngày đêm so với 3 ngày vừa qua.

Lượng nước bổ sung này sẽ được chuyển tải trên đường ống để đưa nguồn nước về tất cả các địa điểm đã nhiều ngày nay bị cúp nước, nước thiếu và nước yếu một cách nhanh chóng  nhất.

Khẩn cấp xây đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ

Chiều 22.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Dawaco cho biết, sau khi các thủy điện xả nước với lưu lượng tổng cộng là 95 m3/giây về hạ du sông Vu Gia, tình hình nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ vẫn không được cải thiện, với mức độ mặn giữ ngưỡng 1.000 mg/lít.

“Với mức độ này thì hệ thống nước vẫn thiếu từ 40.000 – 50.000 m3, vẫn không lấy nước vào nhiều được. Bởi vì lấy nước từ Cầu Đỏ hòa vào nước từ trạm An Trạch vẫn ở mức 250 mg/lít nên vẫn thiếu nước khá nhiều”, ông Nam nói.

Hiện nay các hồ, các suối, như: Suối Đá, suối Tình, Hải Vân đã kiệt nước... Hiện nguồn nước đang hụt nghiêm trọng nên 2 nhà máy dù hoạt động hết công suất cũng chỉ đạt mức 250.000 m3/ngày đêm.

Dù được thủy điện xả nước trong 24 giờ nhưng độ mặn trên sông Cầu Đỏ vẫn ở ngưỡng 1.000 mg/lít

Ảnh: Hoàng Sơn

So với nhu cầu khoảng 300.000 m3, thiếu đến 50.000 m3 nên Dawaco vẫn phải cấp nước bằng xe bồn. Ông Nam cho hay, việc cấp nước luân phiên cũng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn chứ không liên tục được do thiếu trên diện lớn.

Về phương án cấp nước khẩn cấp 24 giờ không giải quyết được độ mặn, ông Nam cho biết, nước từ A Vương xả 70 m3/giây; Đăk Mi 4 xả 25 m3/giây chỉ trong 24 giờ phải kết thúc.

“Qua 1 ngày nhưng nước không thể giảm mặn được. Hiện thủy điện Đăk Mi 4 giữ nguyên 25 m3/giây, thủy điện A Vương sẽ giảm xuống còn 28 m3/giây thì độ mặn sẽ còn lên cao”, ông Nam nói.

Nước tại Cầu Đỏ được thu vào để hòa cùng nước từ trạm An Trạch để sản xuất

Ảnh: Hoàng Sơn

“Về phương án hiện chỉ có cách làm đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ, đoạn được đề xuất ở khu vực Hòa Xuân tại cầu Nguyễn Tri Phương. TP sẽ quyết vị trí công ty sẽ thực hiện theo phương án để hạn chế xâm nhập mặn. Nếu mặn còn xâm nhập và thủy điện cứ xả nước thì chưa chắc đẩy mặn được”.

Cũng theo ông Nam, các thủy điện phải giữ nước, đề phòng đầu mùa mưa mà không có mưa để điều tiết cho nông nghiệp. Sau khi xả theo yêu cầu của TP.Đà Nẵng, các thủy điện sau 24 giờ sẽ vận hành lại theo quy trình liên hồ chứa...

“Trước tình thế này phải có giải pháp công trình để ngăn mặn. TP cần hỗ trợ để thực hiện ngay chứ không rất căng thẳng”, ông Nam kiến nghị để tháo gỡ “khủng hoảng” nước sạch như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.