Khủng hoảng y tế đe dọa an ninh toàn cầu

10/09/2005 00:18 GMT+7

Thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế (cụ thể là các dịch bệnh như AIDS, SARS...) có thể đe dọa đến sự ổn định và an ninh thế giới. Đó là cảnh báo của các chuyên gia đang tham gia Hội nghị y tế thế giới diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) trong tuần này.


Dịch bệnh AIDS đã làm giảm tuổi thọ trung bình ở nhiều khu vực thuộc Sahara của châu Phi xuống dưới 30 tuổi và ngày càng có nhiều người chết vì bệnh AIDS. Ông L.Chen - Giám đốc Trung tâm công bằng toàn cầu thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã cảnh báo như vậy tại hội nghị Helsinki. Các cuộc khủng hoảng y tế không chỉ tác động đến những nước nghèo mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều nước giàu. Theo phân tích của các chuyên gia y tế thuộc Đại học Harvard, 1/3 số vụ phá sản cá nhân ở Mỹ có liên quan đến chi phí y tế quá cao. Ông Chen cho biết những dịch bệnh bất ngờ là nguyên nhân chính làm kiệt quệ nền kinh tế. Chẳng hạn, dịch bệnh SARS không chỉ gây mất mát lớn về nhân mạng mà còn ảnh hưởng xấu đến du lịch và thương mại, làm nền kinh tế châu Á và thế giới thiệt hại tới 60 tỉ USD. Nếu thế giới không sớm có biện pháp hữu hiệu bảo vệ sức khỏe, những tác hại của dịch bệnh lên nền kinh tế sẽ hiện diện ở tất cả các nước.

 

Ngoài ra, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc - vốn nhằm giảm tình trạng tử vong ở người mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi cũng như ngăn chặn sự lây lan của dịch HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao - sẽ khó lòng đạt được vào đúng thời hạn 2015. Mỗi năm, thế giới có thêm 5 triệu người nhiễm HIV/AIDS và từ 300 -500 triệu người mắc bệnh sốt rét. Bệnh sốt rét đã cướp đi sinh mạng của 3 triệu trẻ em mỗi năm và làm giảm thu nhập bình quân theo đầu người ở khu vực Sahara mỗi năm tới 1,3%.

 

Các chuyên gia y tế thế giới nhấn mạnh rằng mặc dù y học hiện đại đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng vẫn chưa giải quyết được các cuộc khủng hoảng y tế trong thế kỷ mới. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ khủng hoảng y tế là một trong những mục tiêu quan trọng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kể trên. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, thành lập quỹ y tế toàn cầu thông qua đánh thuế vé máy bay có thể giúp giải quyết được nhiều vấn đề. Theo  ông Chen có 3 điều gây tổn thất cho ngành hàng không: khủng bố, tai nạn và dịch bệnh. Vì thế, việc đánh thuế vé máy bay sẽ mang lại lợi ích cho chính ngành hàng không. (Ipsnews.net)

 

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.