Khủng long tuyệt chủng vì tiểu hành tinh lao vào Trái đất ở góc độ 'chết chóc nhất'

27/05/2020 23:19 GMT+7

Đa số chúng ta đều biết rằng, cách đây khoảng 66 triệu năm, một tiểu hành tinh có kích thước gấp đôi đường kính Paris đâm vào Trái đất , quét sạch mọi loài khủng long và 75% sự sống khỏi bề mặt hành tinh.

Điều vẫn còn bí ẩn là liệu địa cầu đã trúng một đòn trực diện hoặc chệch qua một bên?
Theo báo cáo mới trên chuyên san Nature Communications, thiên thạch khổng lồ đã đánh trúng “góc chết chóc nhất có thể”, xiên một góc 60o.
Cú va chạm long trời lở đất đã tống một khối lượng khổng lồ đất đá và khí lên thượng tầng khí quyển, đủ để thay đổi triệt để khí hậu của địa cầu, đẩy khủng long bạo chúa T-Rex và mọi thứ cùng thời với nó đến ngưỡng hủy diệt.
Đó là kết quả rút ra từ cuộc phân tích hõm chảo va chạm Chicxulub, bề ngang 200 km, miền nam Mexico, nơi được xác định là điểm thiên thạch lao xuống.
Tác giả chính của báo cáo, tiến sĩ Gareth Collins của Đại học Hoàng gia London (Anh) và các đồng sự ở Đại học Freiburg (Đức) và Đại học Texas (Mỹ) đã nghiên cứu 4 kịch bản khác nhau, dựa trên các góc độ tiểu hành có thể lao vào Trái đất, lần lượt là 90, 60, 45 và 30o – cùng 2 tốc độ va chạm là 12 và 20 km/giây.
Kết quả cho thấy góc độ phù hợp nhất cho những gì đã xảy ra trên thực tế là 60o.
“Góc 60o là góc chết chóc nhất, bởi vì nó có thể tống một khối lượng lớn bụi, khí với tốc độ đủ nhanh để “ngốn trọn” cả hành tinh”, AFP dẫn lời tiến sĩ Collins.
Ông phân tích nếu thiên thạch lao ở góc thẳng đứng hoặc góc chếch hơn, ắt hẳn khối lượng đất đá bị quẳng vào khí quyển không đến mức lớn đến thế.
Chicxulub cũng được cho đã kích hoạt một vụ động đất tạo ra các đợt sóng địa chấn chỉ mất 13 phút để lan đến Tanis, khu hóa thạch cách đó 3.000 km ở địa phận bang Bắc Dakota (Mỹ).

Đột nhập bảo tàng Úc, chụp hình 'tự sướng' với khủng long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.