Khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến, mới và sạch

Sáng 2.6, dự thảo luật Chuyển giao công nghệ đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) trước QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết dự luật lần này đã bổ sung, chỉnh sửa quy định khuyến khích chuyển giao vào VN công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội cũng như văn hóa của VN.

Dự luật cũng khuyến khích CGCN sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng…
Góp ý về quy định đăng ký CGCN, đại biểu (ĐB) Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng không nhất thiết quy định đăng ký hợp đồng CGCN để tránh phát sinh các thủ tục hành chính. Còn đối với các hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào VN hay từ VN ra nước ngoài thì cơ quan hải quan hoàn toàn có thể kiểm soát để quản lý các nguồn CGCN, chống việc gian lận, chuyển giá và trốn thuế.
Để ngăn chặn công nghệ lạc hậu tràn vào VN, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đề nghị cần tăng cường quản lý, giám sát từ cả các cơ quan nhà nước và người dân. ĐB của Kiên Giang cũng cho rằng cần chủ động nghiên cứu thực tế, phải làm sao nắm bắt để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp muốn mua công nghệ rẻ với giá cao nhằm trục lợi ngân sách hoặc trường hợp các đối tác nước ngoài muốn chuyển giao những công nghệ lạc hậu sang VN.
ĐB Phạm Đình Toản (Hưng Yên) đề nghị quy định chặt chẽ hơn để chống hiện tượng chuyển giá về CGCN. “Chuyển giá là vấn đề gây nhiều bức xúc trong thời gian qua và đã có nhiều ĐB phát biểu. Quá trình góp vốn bằng công nghệ trong các dự án đầu tư công ty mẹ thường chuyển về công ty con kê khai giá trị công nghệ cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. Công ty con chuyển giá trị đó về công ty mẹ dưới hình thức khấu hao tạo ra hiện tượng lãi thật, lỗ giả nhằm trốn thuế”, ĐB Toản nêu quan điểm.
Giải trình thêm trước QH về dự luật, liên quan đến vấn đề thẩm định công nghệ và đăng ký hợp đồng CGCN, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết, hiện VN cần tăng cường vấn đề này, mà luật Đầu tư, luật Bảo vệ môi trường thời gian vừa qua chưa bao quát hết nên đã được thể hiện tinh thần vào dự luật này.

Tranh luận về tình huống được nổ súng
Chiều cùng ngày, QH thảo luận về dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Giải trình tiếp thu về dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) cho rằng dự thảo luật đã quy định nguyên tắc chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và phải hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra; đồng thời các trường hợp cụ thể được nổ súng bảo đảm tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật, phù hợp với quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết.
Dẫn quy định người thi hành công vụ không được nổ súng nếu đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe nhưng không phải là tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác, ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng quy định này là không hợp lý vì sức khỏe cũng là một trong những yếu tố quan trọng và liên quan trực tiếp đến tính mạng con người cần được pháp luật bảo vệ.
"Bên cạnh đó, khi đặt trong tình thế nguy hiểm và cấp bách, người thi hành công vụ không đủ thời gian, không đủ minh mẫn để xác định rõ được trường hợp nào họ hoặc người khác đang bị đe dọa tính mạng hay chỉ bị gây nguy hiểm đến sức khỏe", ĐB Tín phân tích, đồng thời kiến nghị bổ sung điểm này là được nổ súng khi đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác.
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng cho rằng, quy định người thi hành công vụ phải nhận định những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng trong tình huống ấy là làm khó người thi hành công vụ. "Việc này phải cả một quá trình điều tra truy tố xét xử, thậm chí chỉ đến khi tòa tuyên án mới xác định được phạm tội ở trường hợp nào. Cho nên phải hết sức thận trọng câu chữ, vì nếu không sẽ rất khó thực tế", ông Bình nêu.
Giải trình trước QH nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt lập luận rằng, so với luật trước, vấn đề này đã được cụ thể hóa khá rõ quyền được nổ súng, nổ súng có cảnh báo và nổ súng không cảnh báo. "Chúng tôi đã làm việc với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là hai lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ, anh em thấy rằng luật thế là rõ, đảm bảo thực hiện tốt", ông Việt nói.
Chiều 2.6, UB TVQH đã họp phiên đột xuất để cho ý kiến về việc phê chuẩn bổ nhiệm 2 thẩm phán TAND tối cao và dự án cao tốc Bắc - Nam. Kết thúc phiên họp, UB TVQH cơ bản thống nhất phương án sẽ trình tờ trình của Chánh án TAND tối cao về đề nghị bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao và Tờ trình của Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam (có tổng mức đầu tư 312.000 tỉ đồng) ra kỳ họp thứ 3 để QH xem xét, quyết định.
Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.