Khuyến khích dạy giải quyết các vấn đề trong cuộc sống

13/08/2012 03:10 GMT+7

Năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trương đổi mới phương pháp dạy học. Cụ thể, để kiến thức không còn mang tính hàn lâm, thiếu thực tế, giáo viên được khuyến khích dạy học theo hướng gắn liền với nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

* Đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh

Năm nay, TP thực hiện quy trình tuyển sinh HS lớp 10 chuyên qua 2 giai đoạn sơ tuyển (trong đó có đánh giá các chỉ số thông minh - IQ, chỉ số xúc cảm - EQ, chỉ số vượt khó - AQ) và thi tuyển theo quy định của Bộ. Sở kiến nghị Bộ cho phép thí điểm thực hiện tuyển thẳng HS đoạt giải nhất kỳ thi HS giỏi lớp 9 cấp TP và có 4 năm học THCS đạt danh hiệu HS giỏi vào lớp 10 chuyên.

Tiếp tục thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia ở bậc THCS, theo kế hoạch, năm học mới có 4 trường (tổng cộng 8 lớp với 240 HS) tham gia thí điểm: Trường THCS Minh Đức (Q.1), THCS Hai Bà Trưng (Q.3), Trung học Thực hành Sài Gòn (Trường ĐH Sài Gòn) và THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh). Ngoài ra, số trường tiểu học tham gia thí điểm chương trình tiếng Anh đại trà lớp 3 tăng lên 72 trường. TP dành khoảng 408 tỉ đồng cho đề án phổ cập năng lực sử dụng tiếng Anh. Đến năm 2014, khảo sát và bồi dưỡng, đào tạo lại để tất cả giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu u. Dự kiến từ tháng 9, 100 giáo viên Philippines sẽ chính thức giảng dạy tiếng Anh tại một số trường.

Thành phố dự kiến đưa vào sử dụng gần 1.000 phòng học mới ở các bậc học; giữ nguyên mức thu học phí như những năm học trước. Theo đó, mức học phí (tùy khu vực nội thành hay ngoại thành) của bậc mầm non là 30.000 - 50.000 đồng/tháng/HS; bậc THCS là 10.000 - 15.000 đồng/tháng; bậc THPT là 25.000 - 30.000 đồng/tháng. Nếu học bán trú, học sinh phải đóng thêm các khoản phí cơ sở vật chất bán trú 150.000 đồng/năm, vệ sinh bán trú 5.000 đồng/tháng, phục vụ và quản lý bán trú 30.000 - 50.000 đồng/tháng.

Bỏ cách dạy thầy giảng, trò nghe

Sở GD-ĐT Kon Tum đang triển khai mô hình trường học kiểu mới, do dự án Columbia tài trợ với kinh phí hơn 2.000 USD/năm tại 10 trường tiểu học ở TP.Kon Tum. Từ năm 2012-2015, HS lớp 2, 3 của các trường này thay đổi hoàn toàn cách dạy và học truyền thống “thầy giảng, trò nghe”, thay vào đó để HS tự học theo nhóm. HS được dùng sách giáo khoa chung của nhà trường, học tập trong mô hình lớp học hiện đại, có thư viện, máy móc, đồ dùng trang thiết bị học tập, được tham gia hội đồng tự quản phát huy quyền dân chủ môi trường học thân thiện…

Trùng Dương

B.Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.