Thời gian gần đây trong ngành giáo dục có nhiều vụ việc lẫn lộn, mập mờ giữa sự động viên, khuyến khích và ép buộc. Điều đáng nói là hầu hết học sinh (HS) trong các trường hợp này đều không có lựa chọn nào khác.
Ngay từ đầu tháng 4, nhiều phụ huynh và HS tỉnh An Giang đã bức xúc phản đối việc các trường THPT tỉnh này yêu cầu nhiều HS phải thi môn vật lý thay thế cho môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến dù những HS này học tiếng Anh đủ số năm theo quy định. Có sự việc này là do các trường thực hiện theo đúng công văn do giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh ký. Theo công văn này, đối tượng thi môn thay thế gồm 2 trường hợp: HS đang học tại trường thuộc các huyện miền núi, biên giới và HS đang theo học tại các trường THPT khác trong tỉnh hạn chế về trình độ tiếp thu tiếng Anh, Pháp - có điểm trung bình môn ngoại ngữ lớp 12 ở học kỳ 1 dưới 6,5. Không có gì đáng bàn với đối tượng thứ nhất vì cũng phù hợp với chủ trương của Bộ GD-ĐT: Những HS học trong điều kiện khó khăn về dạy và học môn ngoại ngữ. Thế nhưng với đối tượng thứ 2 thì không có lý do gì để thi môn thay thế. Dù trong công văn của Sở nêu rõ HS tự nguyện làm đơn thi môn thay thế nhưng trên thực tế nhiều HS trong diện này muốn được thi môn ngoại ngữ cũng không được. Trường hợp này không hiểu lãnh đạo Sở GD-ĐT và các trường THPT tỉnh An Giang vì quyền lợi của HS hay lo cho tỷ lệ đậu tốt nghiệp của trường, của tỉnh?
Trước đó, báo chí cũng đã lên tiếng việc nhiều trường phổ thông ngoài công lập tại TP.HCM “động viên” HS nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ dễ trúng tuyển hơn là vào những trường HS thích. Vấn đề đặt ra ở đây: trường thật sự lo cho tương lai HS hay vì tỷ lệ đẹp HS trúng tuyển vào ĐH mà các trường xem đây là một trong những tiêu chí để thu hút phụ huynh cho con học tại trường?
Mới đây lại rộ lên việc một số trường THPT tỉnh Vĩnh Phúc “cân nhắc” khi nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH của những HS có điểm 3 môn thi ĐH qua 4 lần khảo sát không đạt 10 điểm. Lãnh đạo các trường cho rằng việc này cốt chỉ để tuyên truyền, vận động những HS có điểm khảo sát kém không nên thi vào ĐH mà hướng sang học nghề. Nếu nói về mặt tình, cách làm của những trường này có thể chấp nhận vì thực tế những nhà hướng nghiệp cũng luôn nhắn nhủ thí sinh rằng ĐH không phải là con đường duy nhất vào đời. Ngày nay có nhiều loại hình đào tạo phù hợp với khả năng của HS và có nhiều chương trình đáp ứng nhu cầu học suốt đời nên không nhất thiết HS phải thi ĐH bằng mọi giá. Thế nhưng cách hành xử của các trường rõ ràng sai về mặt lý. Không ai được quyền cấm HS sau khi tốt nghiệp trung học thi vào ĐH, CĐ cho dù bất cứ lý do gì.
Dù những nơi này vẫn nói chỉ là tự nguyện, khuyến khích nhưng ai cũng biết rằng trong môi trường học đường ở VN hiện nay khái niệm “tự nguyện” và “phải” hết sức mập mờ. Bằng chứng là việc dạy - học thêm, là phí đóng góp của cha mẹ HS vào đầu mỗi năm học. Tất cả đều trên tinh thần tự nguyện nhưng có mấy phụ huynh và HS “dám” không thực hiện?
Chính vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây không phải là có nên ngăn chặn HS kém thi ĐH hay không mà cần ở các vấn đề căn cơ hơn. Đó là việc hướng nghiệp cho HS không phải chỉ bắt đầu khi các em bước vào lớp 12 mà nên ngay từ lớp 10, thậm chí xa hơn, từ bậc THCS để HS lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực. Ngoài ra, chính sách phân luồng HS phải thực hiện có chiến lược và khoa học để chính HS thấy nên chọn hướng đi nào cho phù hợp chứ không phải máy móc bắt buộc như hiện nay.
Thùy Ngân
Bình luận (0)