Khuyến khích xã hội hóa trong mọi lĩnh vực

25/04/2019 07:00 GMT+7

KTS Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội KTS VN, đánh giá để có được một khu đô thị mang tầm vóc thế giới như mong đợi, TP.HCM sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, đây là mô hình hoàn toàn mới, không có sẵn mô hình trên thế giới để học tập. Tuy nhiên mỗi đô thị đều có đặc điểm riêng, TP có thể tập hợp, khảo sát tất cả đặc điểm của một vài đô thị nổi bật trên thế giới về kỹ thuật, công nghệ cao, phần mềm ứng dụng khoa học để học cách thức tổ chức, cấu trúc và nhân sự. Thứ hai, hồ sơ quy hoạch chung của TP đã có, phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch, giải quyết các nền đất hiện đã có dự án và nhanh chóng gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, vốn luôn là vật cản lớn nhất đối với mỗi dự án giao thông, hạ tầng trên địa bàn TP.HCM.
“Vấn đề lớn nhất chính là phương án tài chính. Phải khẳng định chỉ có thật nhiều tiền mới làm được đô thị thông minh. Ngân sách TP chắc chắn không thể đủ, phải có cơ chế khuyến khích, vận động thu hút nguồn lực xã hội hóa. Chỉ riêng TP.HCM không thể làm nổi, cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ T.Ư thể hiện qua các chính sách, cơ chế đặc thù để giải quyết vấn đề tài chính. Có tài chính thì khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ dễ dàng được giải quyết”, ông Mười nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết cuối tháng 11.2017, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025”. Trong đó, khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ trở thành hạt nhân, là khu vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên sâu theo chiến lược đặc biệt của Chính phủ và TP.HCM. Để thực hiện được mục tiêu này, TP đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ như VNG, Viettel, VNPT, FPT, CMC... về việc tham gia cung cấp các giải pháp cho đô thị thông minh. Đại diện của các doanh nghiệp này cho biết họ sẵn sàng hợp tác với TP, đầu tư giải pháp để cung cấp dịch vụ.
Đơn cử, VNPT đang hoàn thiện khung kiến trúc tham chiếu về đô thị thông minh, các chuẩn kết nối, tích hợp cho các hệ thống và dịch vụ; đề xuất mô hình và giải pháp cho Trung tâm điều hành thông minh của TP (IOC); tiếp tục nghiên cứu đề xuất triển khai thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hay Tập đoàn Viettel sẽ cung cấp 100% wifi không dây vào từng nhà người dân, đồng thời đề nghị cung cấp gói cước 4G cho du khách đến TP. Còn VNG đang cung cấp các giải pháp đám mây, giúp giải quyết những bài toán của sự phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, an toàn cho TP (thông qua những công nghệ như camera thông minh), rác thải ô nhiễm, giáo dục... Mới đây, Tập đoàn Lotte cũng đã khởi công dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm...
“Trở thành đô thị thông minh trong thời gian 4 năm và tầm nhìn cho 5 năm sau là trách nhiệm đầy thách thức đối với TP. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ từ phía T.Ư, quan trọng nhất chính là sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. TP sẽ tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư tư nhân, tận dụng nguồn lực từ xã hội trên tất cả các lĩnh vực”, ông Tuyến cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.