Cuộc chơi AI thực sự đắt đỏ: Huy động nguồn lực xã hội hóa

Trung Hiếu
Trung Hiếu
25/03/2019 08:32 GMT+7

Theo TS Ngô Tấn Vũ Khanh (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của chính quyền và doanh nghiệp trong nước hiện còn rất chậm và cách xa so với trình độ thế giới.

Việc ứng dụng AI trong nước, theo TS Khanh, chỉ ở mức chuẩn bị chứ chưa thực sự làm, kể cả ở những doanh nghiệp lớn. "Mới đây khi tiếp xúc với một doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng trong nước, khi tôi đề cập tới áp dụng AI thì vị tổng giám đốc tỏ vẻ chần chừ và nhận định khoảng 1 - 2 năm nữa doanh nghiệp mới có thể áp dụng AI", TS Khanh nói.

[VIDEO] Trẻ tự kỉ đi học thêm thuận lợi nhờ công nghệ AI

TS Ngô Quốc Hưng (Công ty Ainovation) cho biết thêm qua tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể thấy việc ứng dụng AI trong doanh nghiệp rất ít, chỉ lác đác triển khai thử nghiệm, chưa có tính hệ thống và chiến lược dài hơi, cơ bản vì chi phí triển khai khá lớn.
Do “cuộc chơi AI thực sự đắt đỏ” nên theo TS Hưng, muốn nghiên cứu và ứng dụng AI, từ lúc này chính quyền TP.HCM cần huy động nguồn lực xã hội hóa, có chính sách khuyến khích giáo dục đào tạo và nghiên cứu phát triển, cung cấp các không gian mở với chi phí thấp để mọi người có thể đến giao lưu, trao đổi, làm việc hợp tác, cung cấp trang thiết bị với giá thuê ưu đãi, mời các chuyên gia tổ chức các khóa học, khóa đào tạo chuyên đề AI cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần công khai hóa các bài toán AI “đặt hàng” cho cộng đồng để cùng thi đua đưa ra giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất với chi phí hợp lý.
PGS-TS Thoại Nam (Trường đại học Bách khoa, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt, trong vòng 3 - 5 năm “cục diện AI” trong nước nói chung và TP.HCM nói riêng sẽ thay đổi, khởi sắc, còn nếu không làm sẽ chậm chân so với các nước. Hiện đang có xu hướng những người giỏi về lĩnh vực xin “đầu quân” cho công ty nước ngoài thay vì công ty trong nước. Nhiều quốc gia đang có chương trình thu hút nhân tài về AI, trong khi VN chưa có chương trình thu hút nào.
[VIDEO] Khi trí tuệ nhân tạo có gương mặt người
Nhiều nước trong khu vực ứng dụng AI trong quản lý công
Trung Quốc đã triển khai và đang hoàn thiện hệ thống giám sát cực lớn, kết nối hàng trăm triệu camera công cộng lẫn tư nhân. Bằng AI, các camera có thể nhận diện khuôn mặt từng người và đưa ra thông tin cơ bản về người đó trong vòng vài giây.
Tại Thái Lan, Công ty PTT phát triển sáng kiến nhằm giảm tai nạn giao thông đường bộ. Theo đó, trên mỗi chiếc xe đều gắn camera quay cận mặt tài xế để chuyển dữ liệu cho thuật toán phân tích. Nếu tài xế có dấu hiệu buồn ngủ hay mất tập trung, hệ thống sẽ lập tức gửi cảnh báo đến tài xế. Người quản lý của công ty thông qua hệ thống dữ liệu có thể xây dựng chế độ làm việc, đào tạo hợp lý nhằm cải thiện năng lực của tài xế.
Chính quyền Singapore cũng tạo ra một AI trên Facebook giúp tiếp nhận những câu hỏi của người dân, sau đó trích xuất thông tin từ kho dữ liệu của các cơ quan liên quan để trả lời. Người dân có thể thông qua AI này để tìm thông tin, trình báo, kết nối với chính quyền thay vì gọi đến tổng đài hoặc đến tận cơ quan liên quan, theo Gov Insider.
Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều AI được nghiên cứu và phát triển với khả năng chấm điểm, tối ưu bài giảng cho giáo viên, đưa ra phương pháp học phù hợp cho các đối tượng học sinh.
Bảo Vinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.