Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 15.1, tại Hà Nội, báo cáo cùng tên đã chính thức được công bố. Báo cáo do TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng (CIEM), chủ trì soạn thảo.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), cho biết báo cáo đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Trong kịch bản 1, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024; mức giá của Mỹ tăng tới 2,4%; giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 2,2%; giá dầu thô thế giới giảm 0,7%.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD của ngân hàng thương mại tăng 1,5%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 9%; tín dụng tăng 15%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 2%. Dân số tăng 0,84% và số lao động có việc làm tăng 5% so với năm 2023.
"Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên so với năm 2023. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 2%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều tăng 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 3%. Giải ngân chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 677,34 triệu tỉ đồng", ông Dương nói.
Với kịch bản này, nhóm tác giả đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13%; xuất khẩu cả năm tăng 4,02%; thặng dư thương mại ở mức 5,64 tỉ USD; lạm phát bình quân ở mức 3,94%.
Ông Dương cho biết, kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1. Một số điều chỉnh là: GDP của thế giới tăng 3,2%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10%; tín dụng tăng 16%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5%; tỷ giá VNĐ/USD của ngân hàng thương mại tăng 2%.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo…); qua đó cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%. Cải cách thể chế mạnh mẽ giúp tăng chất lượng tăng trưởng, trong đó có năng suất lao động.
Với tính toán này, dự báo được đưa ra là tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt 6,48%; xuất khẩu cả năm tăng 5,19%; thặng dư thương mại ở mức 6,26 tỉ USD; lạm phát bình quân năm ở mức 3,72%.
Tư duy chính sách cần tiếp sức cho doanh nghiệp
Một số chuyên gia bày tỏ quan điểm, bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng. Tư duy nhấn mạnh hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phù hợp, song không đủ. Việt Nam phải sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh.
"Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) là rất quan trọng, nhưng không làm mất vai trò của tư duy thích ứng với thị trường. Chính ở đây, tư duy chính sách cần tiếp sức cho doanh nghiệp trong quá trình thích ứng; bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức yêu cầu bán sản phẩm thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mà doanh nghiệp có", ông Dương nói.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, năm 2024, việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Bình luận (0)