5 năm sau khi vở kịch câm Tiếng vọng hành tinh đoạt giải đặc biệt trong Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc diễn ra tại TP.HCM (2006), tác giả - đạo diễn NSƯT Bích Ngọc đã quyết định thực hiện phần hai. Tiếng vọng hành tinh phần 2 không chỉ hướng tới việc nâng cao sự hiểu biết của khán giả về môi trường, mối quan hệ khăng khít giữa biến đổi khí hậu trái đất - con người - thiên nhiên - vũ trụ, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: Cứu lấy môi trường là cứu lấy sự sống.
|
Mặc dù thông điệp của vở kịch mang tính xã hội cao, nhưng nội dung câu chuyện lại quá đơn giản, thiếu sáng tạo, không gần gũi. Tiếng vọng hành tinh phần 2 khiến nhiều khán giả có cảm giác như đang xem những hình ảnh tái hiện lại cuộc sống trên trái đất từ khi bắt đầu được hình thành một cách đơn thuần. Vở kịch hoàn toàn thiếu vắng những cao trào cần có. Nếu thể loại kịch câm cần nhiều biểu hiện của nét mặt, cử chỉ, biểu cảm suy nghĩ, sắc thái, hành động của nhân vật, thì trong vở diễn ít thấy những điều đó. Các động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển khiến nhiều khán giả ngỡ đang thưởng thức tiết mục trình diễn múa. Đến phần kết, nhiều khán giả ngạc nhiên: “Sao kịch câm mà nói nhiều vậy?”. Bức thông điệp của vở diễn được đưa ra với ngôn ngữ lời nói trở thành những lời giáo điều. Trong khi đó, kịch câm là thể loại có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ, đến với mọi khán giả.
Dẫu vậy, việc xuất hiện vở kịch câm Tiếng vọng hành tinh phần 2 (được đầu tư công phu với màn hình chiếu minh họa lớn, nhiều hình ảnh được quay phục vụ cho vở diễn) gợi nhắc cho chúng ta về tình trạng ảm đạm của kịch câm VN hiện nay. Những tác phẩm kịch câm cần tiếp tục được khuyến khích bởi thực tế cho thấy có nhiều khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật này, có điều phải làm thế nào để hấp dẫn khán giả mà thôi.
Minh Ngọc
Bình luận (0)