Kích hoạt dịch vụ, thương mại TP.HCM

06/01/2022 06:33 GMT+7

Với việc cho phép mở lại vũ trường, karaoke, spa từ ngày 10.1 tới, TP.HCM chính thức “tháo chốt” tất cả các ngành thương mại dịch vụ, khởi động năm mới với kỳ vọng khởi sắc kinh tế.

Cứu loạt doanh nghiệp đang bên bờ phá sản

“Không cần tới 1 tuần đâu vì mọi thứ chuẩn bị sẵn sàng rồi, tôi đang đếm từng ngày tới giờ G đây”, chị Trần Thanh, chủ một spa tại Q.3 (TP.HCM), hào hứng nói với chúng tôi sau khi UBND TP.HCM ra văn bản khẩn thông báo cho phép bar, vũ trường, karaoke, massage hoạt động trở lại từ ngày 10.1.

TP.HCM cho phép vũ trường, karaoke, spa hoạt động có điều kiện từ 10.1

Hoàng Việt

Nói không cần 1 tuần chuẩn bị là bởi từ giữa tháng 11.2021, khi TP ban hành quy định cho phép nhiều dịch vụ hoạt động theo cấp độ dịch, trong đó có spa, chị Thanh đã chủ động gọi nhân viên từ quê quay lại TP, dọn dẹp phòng ốc để sẵn sàng mở cửa trở lại. Dù sau đó 1 ngày TP đã thay đổi quyết định, nhưng chị vẫn cố “nuôi” nhân viên, rục rịch làm lại một số dịch vụ chăm sóc da cho người thân trong gia đình để nhân viên rèn luyện lại tay nghề sau thời gian dài nghỉ dịch.

Gần 5 năm trong nghề, chị Thanh thừa nhận chưa bao giờ ngành spa trải qua thời kỳ kinh khủng như vừa qua. Cả năm 2021, ngành dịch vụ làm đẹp này gần như chỉ hoạt động được 1 - 2 tháng đầu năm. Không gánh nổi tiền mặt bằng, rất nhiều spa đã phải đóng cửa, sang nhượng, thậm chí chuyển ngành luôn.

“Bản thân cơ sở của tôi cũng đã phải chuyển từ Q.10 có diện tích lớn hơn về đây để giảm chi phí thuê mặt bằng. Vợ chồng tôi cũng bàn nhau nếu tháng nữa mà TP.HCM chưa cho mở thì chắc cũng phải đóng cửa luôn tính đường khác chứ trụ tiếp không nổi. Giờ thì tốt rồi, TP.HCM cho 1 tuần chuẩn bị chắc là lần này cho mở hẳn luôn, không thập thò nữa”, chị Thanh chia sẻ.

Trước khi có công văn chính thức của TP.HCM , hàng loạt chuỗi karaoke cũng mỏi mòn mong ngóng được hoạt động trở lại vì đã quá kiệt quệ sau 1 năm phải tạm nghỉ. Trong đơn kêu cứu mới đây gửi UBND TP.HCM, chuỗi karaoke Nnice nêu liên tiếp 2 năm dịch bệnh, một số cơ sở trong hệ thống đã phải lần lượt đóng cửa giải thể, người lao động mất việc, đời sống cùng cực, tình hình doanh nghiệp (DN) kiệt quệ vì thua lỗ kéo dài. Không chỉ thất thu hoàn toàn, DN còn phải vay mượn để trả tiền thuê địa điểm, trợ cấp người lao động, trả nợ lãi vay ngân hàng. Nếu tình trạng này còn kéo dài chắc chắn các DN trong chuỗi Nnice sẽ rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, dẫn tới phá sản.

Việc TP.HCM cho phép mở lại kinh doanh dịch vụ karaoke trong bối cảnh điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, tỷ lệ phủ vắc xin rất cao, không chỉ mở đường sống cho các DN mà còn tạo điều kiện cho hàng trăm, hàng ngàn người lao động có việc làm để ổn định cuộc sống.

Hòa nhịp kích cầu du lịch

Cùng ngày ban hành quyết định mở lại một số dịch vụ thuộc nhóm nguy cơ cao, TP.HCM nhận “tin mừng” từ Văn phòng Chính phủ là cho phép thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế. Cùng với đó, ngành du lịch TP cũng đang triển khai hàng loạt chương trình nhằm kích cầu thị trường nội địa.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa nhận định du lịch và dịch vụ là 2 ngành không thể tách rời. Du lịch mà thiếu dịch vụ thì khách không thể có trải nghiệm trọn vẹn, trong khi dịch vụ mở nhưng du lịch đóng thì cũng không có nguồn khách. Từ trước đến nay, hệ thống dịch vụ spa, vũ trường, karaoke của TP.HCM không chỉ phục vụ người dân TP mà có lượng khách rất lớn là người nước ngoài, người ngoại tỉnh tới làm việc, du lịch. Việc TP.HCM cho phép các dịch vụ này hoạt động trở lại cùng nhịp với độ mở của du lịch sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Chưa kể về mặt tâm lý, mở lại những dịch vụ thuộc nhóm nguy cơ cao tạo niềm tin cho người dân TP cũng như các địa phương khác về khả năng kiểm soát dịch bệnh của TP.HCM. Khách từ các tỉnh, thành sẽ an tâm đến TP.HCM du lịch và tiêu tiền.

“Nếu TP.HCM quyết tâm mở cửa mạnh dạn hơn thì từ sự kích hoạt thị trường này, tốc độ phục hồi kinh tế của TP.HCM trong năm 2022 chắc chắn sẽ rất mạnh”, ông Hòa dự báo.

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học & kinh tế ứng dụng, cho rằng ở giai đoạn này, bất cứ nguồn chi tiêu nào cũng sẽ tạo tác động rất lớn. Kích hoạt thương mại dịch vụ - khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM - sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là thời điểm trước Tết Nguyên đán. Từ đó, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của TP trong năm tới.

Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý vấn đề khó khăn của các DN khi mở cửa trở lại là nguồn khách và độ chắc chắn của chính sách. Trong bối cảnh thu nhập của người dân bị tác động mạnh, nhiều ngành nghề chưa được hoạt động trở lại khiến lượng người lao động bị thất nghiệp còn cao thì nhu cầu tiêu dùng sẽ ở mức rất thấp. Mặt khác, TP.HCM cho phép các ngành dịch vụ này mở cửa nhưng lại kèm theo nhiều điều kiện, không chỉ làm tăng chi phí cho DN mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, gây cản trở nhu cầu của khách hàng. Chưa kể đã quá nhiều lần TP cho mở rồi lại bắt đóng lại khiến không ít DN e ngại, không dám bỏ số tiền lớn ra mở cửa trở lại, chấp nhận gồng lỗ hằng ngày rồi vừa làm vừa lo vài ba hôm sẽ phải đóng cửa tiếp.

TP.HCM cho phép mở lại các dịch vụ thương mại chỉ là điều kiện cần, chưa đủ. Nếu những yêu cầu, quy định về y tế chưa mạnh dạn mở ra theo hướng sống chung với dịch bệnh thì việc cho mở dịch vụ chưa thật sự có ý nghĩa, không thể kích cầu hiệu quả, kinh tế rất khó để phục hồi và phát triển.

TS Đinh Thế Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.