Năm nay, sân khấu TP.HCM vẫn còn mặn mà với kịch kinh dị, có người còn gọi là kịch ma. Khán giả vẫn tò mò đi xem khá đông, nhưng...
Có thể nói, vở Người vợ ma đã mở đầu cho loại kịch này, khi cả thành phố đang say sưa với hài kịch. Người vợ ma nổ tung như một quả bom, thu hút lượng khán giả đến mức kỷ lục. Tính cho đến nay, vở kịch này diễn không dưới 500 suất. Trước đó, vở Hạnh phúc trên đồi hoa máu cũng đã có bóng dáng của ma quỷ, nghĩa trang, nhưng chất bi kịch vẫn đậm, nên người xem hầu như không nghĩ nó là kịch ma. Vì vậy, Người vợ ma mặc nhiên là phát pháo đầu tiên. Và có lẽ nó cũng là vở khá hoàn chỉnh trong kết cấu, nội dung, diễn xuất, khán giả tâm phục khẩu phục nhiều hơn cả. Sau đó, hàng loạt vở đua nhau ra đời, ăn theo xu hướng kịch ma này, tạo thành một phong trào rõ rệt. Nhưng thực sự nhiều vở không hề có chất kinh dị đúng nghĩa, mà có thể nói rằng “không kinh”, cũng “chẳng dị”.
“Không kinh” bởi trong nội dung và diễn xuất chẳng thấy bao nhiêu tình tiết, chi tiết đủ làm người ta rợn người. Phải thể hiện làm sao cho khán giả kinh sợ, mới là thành công. Đằng này, khán giả lại thường xuyên “giật mình” vì những âm thanh chát chúa đột ngột nổ ra. Giật mình và sợ là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, có đạo diễn lạm dụng âm thanh, khán giả nghe hoài đâm nhức đầu, điếc tai mà chẳng sợ tí ti nào. Thủ pháp cứ rơi vào lối mòn đó, thành ra gọi luôn là “chẳng dị”, nghĩa là “chẳng mới” chút nào.
|
Nhiều vở đưa lên những cảnh quá bạo lực, chẳng hạn một cây tre đâm xuyên qua ngực nạn nhân, một cây dao bổ dính vào đỉnh đầu, một cô gái bị hãm hiếp rồi bị đập đầu, cho vào bao bố, một người bị siết cổ… Những cảnh này không phải làm khán giả sợ theo kiểu kịch ma, mà là ám ảnh về bạo lực. Đừng quên sân khấu dùng người thật diễn xuất, có sự hỗ trợ của ánh sáng, cảnh trí, thì trông rất “thật”, khác hẳn phim ảnh dẫu sao cũng thông qua một màn hình có tính gián tiếp. Cho nên, bạo lực trên sân khấu tả thực xem rất ghê sợ và tác động không tốt tới nhiều thanh thiếu niên đang ngồi xem bên dưới. Và không hiểu sao cứ kịch ma là phải có giết người như thế, chẳng chút mới mẻ. Tất nhiên, có người chết mới có ma, nhưng không lẽ chỉ quanh quẩn các vụ án giết người? Tính giáo dục, nhắc người ta về nhân quả ở đoạn kết của vở cũng có, nhưng nổi trội hơn cả lại là những cảnh trực tiếp đập vào mắt người ta suốt mấy tiếng đồng hồ!
Gần đây, nhiều vở đi vào xu hướng hài, chẳng còn mấy cảm giác kinh sợ nữa. Ngôi trường số 13, Căn hộ 204 là tiêu biểu cho kiểu này. Trương chữ kịch kinh dị lên coi như chỉ để… câu khách. Những cảnh ma quái được thể hiện rất giả, chọn thủ pháp ước lệ tưng bừng cho vui mà thôi. Con ma xuất hiện là tức cười. Dĩ nhiên, không bao giờ hội đồng nghệ thuật duyệt cho có ma thật, mà tất cả con ma trong các vở đều do người sống hù dọa kẻ thủ ác. Nhưng với kịch ma-hài, con ma càng được “cách điệu” hơn nữa, xem “kịch kinh dị” mà cứ nghe khán giả cười ầm ầm!
Hoàng Kim
Bình luận (0)