Kịch lịch sử được mùa

Hoàng Kim
Hoàng Kim
11/04/2024 07:22 GMT+7

Vở kịch Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử vừa ra mắt khán giả TP.HCM đã có tiếng vang tích cực: 3 suất đầu hết sạch vé sau mấy ngày mở bán. Các sân khấu khác tại thành phố cũng đang xôn xao dựng thêm các vở kịch sử.

Mùa tết vừa qua, sân khấu Hồng Vân mạnh dạn ra mắt vở Tình sử Thăng Long tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), với nội dung xoay quanh quá trình người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ nỗ lực chinh phục đất Bắc Hà và chinh phục cả trái tim Ngọc Hân công chúa. Để có được chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử trước quân Thanh, trước tiên vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã phải chiến thắng những rào cản trong nước, không đơn giản chút nào. Và vở kịch đã tái hiện thời đoạn đó, rất công phu, tỉ mỉ, bám sát chính sử, nhưng vẫn có sự hấp dẫn. NSND Hồng Vân cho biết sẽ diễn lại trên sân khấu Điện Biên Phủ để bán vé thường xuyên cho học sinh, sinh viên.

Hòa Hiệp (trái) vai Lê Văn Khôi và Đình Toàn vai Lê Văn Duyệt trong vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử

Hòa Hiệp (trái) vai Lê Văn Khôi và Đình Toàn vai Lê Văn Duyệt trong vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử

H.K

Ngay sau tết, Nhà hát IDECAF hối hả tập và ra mắt vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử như nối liền một mạch với bà bầu Hồng Vân. Khán giả có thể vẫn chưa dứt dư âm với Quang Trung Nguyễn Huệ thì đã dạt dào cảm xúc với Đức Ông Lê Văn Duyệt.

Đây cũng là một vở bám sát chính sử, dù có hư cấu cũng không đi quá xa, không ảnh hưởng tới nhân vật. Hiện IDECAF đang xếp thêm suất diễn cho vở này.

Hoàng Yến (trái) vai Lý Chiêu Hoàng và Lê Hoàng Giang vai Trần Thái Tông trong Thành Thăng Long thuở ấy

Hoàng Yến (trái) vai Lý Chiêu Hoàng và Lê Hoàng Giang vai Trần Thái Tông trong Thành Thăng Long thuở ấy

H.K

Thật sự, khán giả mến phục những đơn vị này dù trong cơn lốc thị trường vẫn tâm huyết dựng sử Việt một cách tử tế. Chưa hết, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn còn tiết lộ: "Chúng tôi đang chuẩn bị khởi động luôn hai vở nói về Hai Bà Trưng và Trần Thủ Độ. Làm luôn một mạch để đưa vào chương trình Sân khấu Sử Việt học đường". IDECAF từng nổi tiếng với hàng loạt vở kịch sử như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, bây giờ tiếp tục "xông trận" thì không có gì lạ. Nghệ sĩ Đình Toàn nói: "Chúng tôi cũng đầy áp lực, chứ làm sử đâu có dễ. Nhưng càng làm càng phấn khởi, vì thấy mình đền đáp được công ơn tiền nhân, và cũng là cơ hội rèn nghề nghiêm khắc. Nghệ sĩ phải có vai khó, vở khó như vậy thì mới không bị trôi theo thị trường".

KỊCH SỬ ĐI VÀO TÌNH YÊU, THÂN PHẬN

Ở một phía khác, NSND Hoàng Yến là người trung thành và tâm huyết với sử Việt qua những vở kịch Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy, đã diễn suốt 6 năm trời cho hàng trăm ngàn học sinh và sinh viên. Bà bầu Hoàng Yến đang chuẩn bị dựng hai vở mới nói về Kiều và Hồ Xuân Hương. Phương châm lâu nay của NSND Hoàng Yến là đi vào tình yêu, vào thân phận của các nhân vật trong dòng xoáy lịch sử. Tất nhiên, vở sẽ hư cấu nhiều hơn, tưởng tượng nhiều hơn, nhưng đều được khán giả chấp nhận, và nếu ngại thì có thể né tên nhân vật. Chẳng hạn, vở Yêu là thoát tội kể chuyện tình của bà Nguyễn Thị Lộ với Nguyễn Trãi và vua Lê Thái Tông, coi như một oan khiên tế nhị, cho nên đã đổi tên tất cả. Nhưng khán giả xem vẫn hiểu, và thấu cảm cho những trái tim đã rung động theo quy luật nhân sinh. Thị Lộ làm vợ Nguyễn Trãi khi còn quá trẻ và chưa kịp biết tình yêu là gì, trong khi Nguyễn Trãi đã luống tuổi. Đến khi vào cung, bà tiếp cận với Lê Thái Tông thường xuyên, vua vừa thanh xuân tương đương, vừa trí tuệ, giỏi giang, thì trái tim Thị Lộ liệu có giữ được thăng bằng? Ngay cả vua cũng vậy, gặp được người phụ nữ tài sắc vẹn toàn trong đám cung tần mỹ nữ khá vô vị hoặc chỉ lo tranh giành thế lực, thì vua đã coi bà là hồng nhan tri kỷ. Trong chính sử đây là điểm mờ, nhưng kịch bản lý giải ra thì cũng hợp lý, cho nên khán giả chấp nhận. Thành Thăng Long thuở ấy thì kể về chuyện tình đau đớn của Lý Chiêu Hoàng và Trần Thái Tông, đã vì đại cuộc mà phải chia lìa nhau, khi gặp lại cũng rưng rưng nghẹn ngào. Khán giả khóc, vì nét diễn tinh tế trong những lớp như vậy.

Hai vở này hợp đồng liên tiếp với các trường phổ thông và đại học, cả với đơn vị quân đội, trung bình mỗi tháng diễn trên dưới 10 suất, mỗi suất 500 - 1.000 khán giả thì quả là lý tưởng. Giá vé rất rẻ, chỉ vài chục ngàn, cao nhất là 100.000 đồng, nhưng trừ tiền xe đưa đón các em đến rạp thì bà bầu Hoàng Yến chỉ có thể trả cát sê cho diễn viên 300.000 - 500.000 đồng mà thôi. Ấy vậy mà không ai bỏ cuộc.

Ngay cả kép đẹp Lê Hoàng Giang dù đã đắt show ở sân khấu Thiên Đăng nhưng anh kiên quyết đi cùng các bạn. Bởi "nhìn các em nhỏ xem và khóc, rồi viết bài cảm nghĩ, tôi thấy sân khấu thật thiêng liêng", anh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.