Kịch thể nghiệm trở lại

Nguyên Vân
Nguyên Vân
09/03/2023 07:06 GMT+7

3 suất diễn của vở kịch thể nghiệm Biết thì nói, không thì bói của Trà Nguyễn vừa diễn ra tại TP.HCM tuy không "ồn ào" nhưng vừa đủ cho khán giả quan tâm, yêu thích tìm đến thưởng thức, trò chuyện cùng các nghệ sĩ.

Nghệ sĩ và khán giả cùng sáng tạo

Tuy mỗi suất diễn chỉ đón 50 khán giả, nhưng với những cảm nhận, trò chuyện và sẻ chia rất thẳng, thật và (dường như cũng) thân tình của người xem sau buổi diễn về những gì họ trải qua trong suốt 1 giờ vở diễn mang lại, theo đạo diễn Trà Nguyễn, đó đã là sự thành công hơn cả mong đợi. Và đó cũng là một trong những đích đến mà Trà Nguyễn cùng đội ngũ nghệ sĩ mong muốn chạm được khi sản xuất vở kịch thể nghiệm này: tạo điều kiện để cả người biểu diễn và khán giả sáng tạo, suy nghĩ một cách sâu sắc hơn, mở ra khả năng diễn giải, kể câu chuyện riêng của mỗi người khi cảm thụ.

Kịch thể nghiệm trở lại - Ảnh 1.

Kịch thể nghiệm trở lại - Ảnh 2.

Vở Biết thì nói, không thì bói diễn ngày 2, 3, 4.3 tại Vườn Thảo Điền, TP.HCM

N.V

Biết thì nói, không thì bói có 5 nghệ sĩ tham gia: nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa đương đại Lê Mai Anh, diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh, nghệ sĩ chuyển động và thị giác Đạt Nguyễn, nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My và diễn viên Trần Thiên Tú. Trong 60 phút diễn ra, không có câu chuyện nào được kể thành lời, không có tình huống hay xung đột nào hiện ra qua lời thoại (ngoài tiếng "ơi" vọng lại sau tiếng trống của 2 trong 5 người diễn); mang đến một trải nghiệm lặng yên và rất chậm cho người dõi theo.

Theo Trà Nguyễn, tham gia vào trường phái hậu - kịch nghệ (post dramatic, có thể hiểu là phong cách kịch nghệ chất vấn sự tái hiện/tính đại diện và đề nghị phương thức nhìn - xem mới cho khán giả), Biết thì nói, không thì bói dò tìm khả năng tạo ra câu chuyện của nhân vật: ba người diễn (là trung tâm sân khấu) với phục sức tương đồng di chuyển rất chậm trong không gian. Trong vở kịch cực chậm, như Trà giải thích, người diễn gần như không đi chệch khỏi hình ảnh quy ước của vai diễn, mà thông qua những cử chỉ vi tế, cực chậm của mình để khán giả có nhiều thời gian soi ngắm; và có một khả năng là, nhìn lâu quá nên sẽ nhìn ra một điều gì đó, một nhân vật hoặc một câu chuyện chăng?

Có khán giả bày tỏ: mình đến vì tò mò, khi xem cũng không hiểu gì và hết vở càng thấy khó hiểu; dù vậy trong quá trình đó, đã có câu chuyện "diễn ra" trong suy nghĩ của mình và khi kết thúc, câu chuyện cũng được giải quyết. Hay có khán giả rất thích khi tìm được cho mình loại hình giải trí không ồn ào mà lại có khả năng dẫn dắt dòng suy nghĩ, cảm xúc mạnh mẽ đến vậy.

Có khán giả cho biết 60 phút trôi qua chỉ với sự di chuyển cực chậm của các nhân vật trên sân khấu mà lẽ ra họ có thể chỉ mất vài giây đã "mở" ra nhiều ý nghĩa với mình: kích thích sự tò mò về cảm xúc của nhân vật, kích thích sự khát khao được diễn và giúp mình mạnh dạn phá vỡ những quy chuẩn vốn có khi mọi thứ đều có thể xảy ra và đúng hay sai cũng chỉ là tương đối… Hay với khán giả U.70 xuất thân từ gia đình có truyền thống về kịch, cô nhìn nhận: "Với người trẻ, sự sáng tạo là vô hạn, là điều tuyệt vời nhất mà người già như chúng tôi phải học, vì người già thường hay ngủ quên trên những giá trị mình đã tạo ra".

Từng bước tạo ra hệ sinh thái thể nghiệm

Những năm 90 thế kỷ trước, sân khấu TP.HCM từng có những tác phẩm thể nghiệm với nhiều hình thức kịch mới ra đời như cả vở diễn chỉ có 1 diễn viên, diễn ở sân khấu 3 mặt… cùng với nhiều sáng tạo về thiết kế sân khấu. Trong đó, Sân khấu 5B được xem là nơi tiên phong dàn dựng các tác phẩm mang tính thể nghiệm ghi dấu với người xem. Theo NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, gần đây 5B cũng dựng một số tác phẩm mang tinh thần thể nghiệm như: Chuyện tình nữ phạm nhân, Công lý như mặt trời… Sắp tới 5B sẽ có những suất diễn dành cho các vở thể nghiệm, do Chi hội Tác giả - Hội Sân khấu TP.HCM phụ trách - chọn những kịch bản từ các trại sáng tác của hội trong thời gian qua để dàn dựng.

Đạo diễn Trà Nguyễn từng là quyền Giám đốc Sàn Art - không gian độc lập lâu đời nhất dành cho nghệ thuật đương đại tại TP.HCM. Cô đã dựng - diễn nhiều tác phẩm ở Hà Nội, TP.HCM và Tokyo. Nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật ngành biên kịch từ ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) với hỗ trợ của học bổng Fulbright, cô đang phát triển The Run - A Theater Project, nền tảng đầu tiên đặt trọng tâm vào sân khấu thể nghiệm, đề xuất và bàn luận các hướng thực hành sân khấu mới ở VN.

Trà Nguyễn cho biết tuy đã được hỗ trợ điểm diễn nhưng chỉ với 3 suất diễn thì lỗ, phải diễn 7 suất mới có thể huề vốn. Dù vậy, "tôi đang tìm những cơ hội phù hợp, những nhà đầu tư đồng hành với hoạt động lâu dài hơn của The Run (nền tảng đặt trọng tâm vào sân khấu thể nghiệm, triển khai các chương trình đào tạo, sản xuất, biểu diễn và nghiên cứu giao thoa do Trà khởi xướng). Theo đó, cô đang chuẩn bị 2 dự án xây dựng kỹ năng mà The Run triển khai trong năm nay: Học chơi sân khấu: dành cho những người muốn dựng kịch, cùng đi qua các phương pháp, cách nghĩ về sân khấu từ xưa tới nay, tập trung vào hình thái hậu - kịch nghệ; Người lớn nguyên văn: cộng tác với Vân Trần, người thực hành và hướng dẫn kịch ứng tác, ứng dụng cả hai phương pháp biểu diễn để cùng xây dựng tiểu phẩm (dành cho lứa tuổi từ 60 trở lên). Bởi như Trà nói, kịch thể nghiệm hay loại hình nào cũng vậy, muốn tồn tại thì phải có môi trường, có hệ sinh thái của nó, và cô cho rằng mình "đang có niềm tin với hành trình của mình khi khán giả không chỉ thích hay không, hiểu hay không mà đã sẵn sàng để đón nhận hình thức thưởng thức này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.